Hòa giải trên bán đảo Triều Tiên khó tạo đột phá
VOV.VN-CHDCND Triều Tiên cho biết, nước này có thể xem xét lại kế hoạch đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh.
Ngày 6/2, CHDCND Triều Tiên cho biết, nước này có thể xem xét lại kế hoạch đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh liên Triều sắp tới nếu Mỹ và Hàn Quốc vẫn tiến hành cuộc tập trận chung thường niên dự kiến diễn ra sau đó.
Với tuyên bố này, chưa có gì đảm bảo cuộc đoàn tụ dự kiến diễn ra từ ngày 20 đến 25/2 sẽ trở thành hiện thực, và cũng cho thấy tiến trình hòa giải trên bán đảo Triều Tiên khó tạo được bước đột phá.
Trước đó, trong một động thái xây dựng lòng tin hiếm hoi, 2 miền Triều Tiên ngày 5/2 nhất trí cho phép các gia đình bị li tán trong chiến tranh liên Triều 1950 – 1953 được đoàn tụ vào cuối tháng này. Cuộc gặp kéo dài 5 ngày này là đợt đoàn tụ đầu tiên được tổ chức kể từ năm 2010 đến nay.
Ngoài ra, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên cũng nhất trí tiếp tục thảo luận về việc giải quyết các vấn đề nhân đạo thông qua các cuộc họp cấp chuyên viên của Ủy ban chữ thập đỏ 2 nước sau các cuộc đoàn tụ sắp tới.
Nước mắt ngày đoàn tụ của các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. (Ảnh: Getty) |
Tuy nhiên, kênh truyền hình nhà nước CHDCND Triều Tiên (KRT) dẫn lời Người phát ngôn văn phòng chính sách ủy ban quốc phòng Triều Tiên cho biết: “Chúng tôi đã nói rõ ràng là những cuộc đối thoại và hành động gây chiến không thể cùng tồn tại, cũng như việc hòa giải và mâu thuẫn không thể cùng tồn tại. Trong khi các thỏa thuận về đoàn tụ các gia đình bị li tán ở Bàn Môn Điếm (Panmunjom) đang được tiến hành thì các máy bay ném bom B52 của Mỹ có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vẫn thao luyện nhằm vào chúng tôi. Chừng nào hành động này còn tổn hại đến CHDCND Triều Tiên, chúng tôi không thể không xem xét lại việc thực thi thỏa thuận này”.
Tuyên bố này không nằm ngoài nhận định của giới quan sát rằng CHDCND Triều Tiên nhất trí thúc đẩy việc đoàn tụ các gia đình li tán để tạo sức ép buộc Mỹ và Hàn Quốc hủy bỏ các cuộc tập trận chung thường niên.
Thực tế CHDCND Triều Tiên cũng đã không ít lần rút lại các thỏa thuận nhằm hàn gắn với Hàn Quốc để phản đối các hoạt động quân sự giữa Hàn Quốc và Mỹ. Trong những tuần qua, giới chức ngoại giao CHDCND Triều Tiên cũng đã tích cực thúc đẩy chiến dịch kêu gọi Hàn Quốc hủy hoạt động tập trận lần này.
Dường như lo ngại phía CHDCND Triều Tiên thay đổi quyết định, sau cuộc đàm phán hôm qua, Trưởng phái đoàn đàm phán về vấn đề nhân đạo và đoàn tụ các gia đình bị li tán, Thành viên Ủy ban Chữ thập đỏ Hàn Quốc Lee Duk-haeng cũng cho biết: “Về trường hợp thỏa thuận năm 2013 không được thực hiện, chúng tôi đã đưa ra thông điệp thể hiện quan điểm rằng điều này không nên lặp lại và phía CHDCND Triều Tiên đã nhất trí điều đó”.
Chiến tranh liên Triều trong vòng 3 năm (1950 – 1953) đã khiến hàng triệu gia đình bị li tán và từ đó không thể liên lạc được theo lệnh cấm đi lại và giao thông liên lạc giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên vì về mặt lý thuyết 2 nước này vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
Hơn 72.000 người ở 2 miền Triều Tiên, phần lớn đã ở độ tuổi 80, mong muốn gặp lại người thân của họ ở phía bên kia nhưng trong cuộc đoàn tụ lần trước chỉ khoảng 100 gia đình được toại nguyện. Cuộc đoàn tụ lần này được phía Hàn Quốc cố ý đề xuất tổ chức trước các cuộc tập trận chung với Mỹ nhằm tránh nguy cơ bị CHDCND Triều Tiên hủy bỏ song ý định này khó thành công.
Bầu không khí trên bán đảo Triều Tiên được cho là đã có nhiều dấu hiệu tan băng khi khu công nghiệp chung Kaesong hoạt động trở lại sau nhiều tháng đóng cửa vì tranh cãi giữa 2 bên. Sau đó, dư luận lại đang dồn hy vọng vào cuộc đoàn tụ sắp tới, mong rằng động thái này sẽ giúp Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên tiến thêm một bước nhỏ nữa trên chặng đường hòa giải gian nan và lâu dài. Tuy nhiên, chừng nào những thỏa thuận mang tính thiện chí vẫn chỉ để 2 bên “mặc cả” lẫn nhau thì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên khó tạo được bước đột phá./.