Nhật Bản: Những thách thức với tân Thủ tướng Aso
Lên nắm quyền ngày 24/9 sau khi người tiền nhiệm Yasuo Fukuda bất ngờ từ chức, tân Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso và Nội các mới thành lập của ông tiếp tục đứng trước những khó khăn và thử thách trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước
Thách thức lớn nhất hiện nay đã từng làm cho 2 người tiền nhiệm của Thủ tướng Aso phải từ chức bất ngờ sau chưa đầy 1 năm lên nắm quyền là sự chia rẽ trong Quốc hội với Thượng viện do phe đối lập kiểm soát và Hạ viện do liên minh cầm quyền kiểm soát. Kể từ tháng 7/2007, khi phe đối lập giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Thượng viện, chính trường Nhật Bản trở nên bế tắc bởi những chính sách quốc gia quan trọng do cả hai phe đệ trình lên Quốc hội đều rất khó được thông qua, trong đó có Dự luật ngân sách bổ sung năm tài khóa 2008 và Dự luật chống khủng bố đặc biệt sẽ hết hiệu lực vào tháng 1/2009.
Chính vì vậy, trong bài phát biểu đầu tiên tại Quốc hội ngày 29/9, tân Thủ tướng Aso đã bày tỏ quyết tâm thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại có hiệu quả. Về đối nội, ông Aso đặt ưu tiên hàng đầu cho khôi phục kinh tế trì trệ, đưa ra cam kết nỗ lực đạt mục tiêu cân bằng ngân sách thu chi vào năm 2012. Thủ tướng Aso nhấn mạnh, tái thiết kinh tế Nhật Bản là một nhiệm vụ cấp bách nhất của chính phủ hiện nay. Ông cho biết sẽ giải quyết khó khăn về kinh tế bằng cách tiếp cận 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là vực dậy nền kinh tế, giai đoạn thứ hai là tái thiết tài chính và giai đoạn thứ 3 là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua cải cách.
Trước đó nội các mới cũng đã thông qua khoản ngân sách bổ sung trị giá 1.800 tỷ yên (17 tỷ USD) nhằm thực hiện kế hoạch kinh tế cả gói mà chính phủ đã đưa ra. Ông Aso cũng đã khuyến cáo phe đối lập cần tham gia vào các cuộc thảo luận về các vấn đề như kinh tế và an ninh để thông qua những dự luật mang lại lợi ích cho người dân Nhật Bản. Ngoài ra, ông Taro Aso cũng đề cập đến khả năng giải tán Hạ viện để tiến hành cuộc bầu cử trước thời hạn.
Về đối ngoại, Thủ tướng Aso đặt ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao là tăng cường liên minh Nhật – Mỹ và cải thiện quan hệ với láng giềng châu Á. Ông Aso cũng bày tỏ quyết tâm thông qua Dự luật đặc biệt chống khủng bố cho phép Lực lượng Phòng vệ tiếp tục hoạt động tiếp nhiên liệu tại Ấn Độ Dương sẽ hết hiệu lực vào tháng 1/2009, cho rằng Nhật Bản là một thành viên của cộng đồng quốc tế cần có trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Nhiệm vụ này sẽ mang lại lợi ích cho đất nước Nhật Bản. Ông Aso mặc dù theo xu hướng bảo thủ và cứng rắn cũng sẽ cải thiện quan hệ với 2 quốc gia láng giềng là Trung Quốc và Hàn Quốc vốn có thời kỳ căng thẳng xung quanh vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ. Nhưng ông Aso vẫn bảo vệ quan điểm cứng rắn đối với CHDCND Triều Tiên, tăng cường gây sức ép với nước này nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân, tên lửa và vấn đề người Nhật bị bắt cóc.
Trong phiên chất vấn đầu tiên tại quốc hội Nhật Bản diễn ra vào ngày 1/10, Thủ tướng Aso và Chủ tịch đảng Dân chủ đối lập lớn nhất (DPJ) Ichiro Ozawa đã có cuộc đối đầu lần đầu tiên. Ông Ozawa cho biết rất khó để tin rằng chủ tịch LDP đang ngồi trên chiếc ghế Thủ tướng lần thứ 3 mà không tiến hành tổng tuyển cử sau khi 2 người tiền nhiệm đã từ chức chưa đầy 1 năm nắm quyền. Ông Ozawa lên tiếng cho rằng cần phải thực thi tính dân chủ của quốc hội và nếu liên minh cầm quyền không còn khả điều hành chính phủ, họ cần phải chuyển giao quyền lực cho phe đối lập thông qua tổ chức tổng tuyển cử để người dân Nhật Bản quyết định ai là người lãnh đạo đất nước. Ông cam kết rằng nếu đảng Dân chủ lên nắm quyền sẽ đảm bảo khoản thu trị giá hơn 190 tỷ USD vào năm 2012, chủ yếu bằng xóa bỏ thuế lãng phí, đầu tư cho cải cách lương hưu, tạo ra lợi ích cho trẻ em và miễn phí đường cao tốc. Về phần mình, Thủ tướng Aso đã xin lỗi các nghị sỹ quốc hội và người dân Nhật Bản về việc từ chức bất ngờ của 2 người tiền nhiệm. Nhưng ông Aso cũng cho biết ông tin tưởng chắc chắn rằng LDP vẫn có khả năng điều hành đất nước và có trách nhiệm đối với tương lai dân tộc đồng thời nhấn mạnh ông chính là người biết và sẽ quyết định thời gian giải tán Hạ viện và tổ chức tổng tuyển cử.
Dư luận Nhật Bản tỏ ra chán nản với tình hình chính trường Nhật Bản hiện nay, nhất là sau khi tân bộ trưởng Nông nghiệp phải từ chức sau chưa đầy 1 tuần nắm quyền vì các vụ bê bối liên quan đến chất lượng gạo không đủ tiêu chuẩn đã được bán ra thị trường cho người tiêu dùng. Tỷ lệ ủng hộ Nội các mới mặc dù ở mức 48%, tăng 28% so với tỷ lệ Nội các tiền nhiệm của Thủ tướng Fukuda nhưng vẫn thấp hơn 10% tại thời điểm ông Fukuda nhậm chức vào tháng 9/2007, trong khi đó tỷ lệ không ủng hộ là 40%.
Giới phân tích dự báo rằng, Thủ tướng Aso sẽ giải tán Hạ viện để tiến hành cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vào khoảng cuối tháng 10/2008 để tận dụng sự ủng hộ Nội các mới đang ở mức cao. Các chuyên gia phân tích bảy tỏ hy vọng với khả năng của một chính trì gia có truyền thống và tính quyết đoán cũng như bài học kinh nghiệm từ 2 người tiên nhiệm, tân Thủ tướng Aso sẽ đạt được mục tiêu đề ra là khôi phục kinh tế và phá vỡ thế bế tắc chính trị hiện nay để bảo đảm duy trì vị trí của Nhật Bản là cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới./.