Học giả Anh: Trung Quốc đang đảo ngược luật pháp quốc tế có chủ đích
VOV.VN - Dù đã thông qua UNCLOS nhưng Trung Quốc “đang cố gắng đảo ngược luật pháp quốc tế một cách có chủ đích”, học giả Bill Hayton nhận định.
Ngày 19/4, Bộ Tài nguyên Thiên nhiên và Bộ Nội vụ Trung Quốc đã ngang nhiên đưa ra thông báo về việc đặt tên và công bố kinh độ, vĩ độ của "25 đảo, đá và 55 thực thể địa lý dưới biển ở Biển Đông". Trong số đó có các thực thể nằm trong quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, thậm chí có cả những bãi cạn nằm sâu trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trước sự việc này, Bill Hayton - chuyên gia hàng đầu về Biển Đông của Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh nhận định: "Không có quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền với các thực thể chìm dưới biển trừ khi chúng nằm trong phạm vi vùng 12 hải lý. Như vậy, có phải ở đây Trung Quốc đã không biết điều này hay nước này đang cố đảo ngược luật pháp quốc tế một cách có chủ đích?"
"Trung Quốc đã thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) vốn đã quy định rất rõ ràng về những gì mà các quốc gia có thể và không thể tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, dường như Trung Quốc đang chống lại UNCLOS khi tuyên bố chủ quyền ở những nơi xa xôi như vậy", học giả Bill Hayton khẳng định.
Tháng 3/2020, Việt Nam đã gửi công hàm ngoại giao lên Liên Hợp Quốc nhằm phản đối lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Ngày 18/4, chính phủ Trung Quốc đã thông qua quyết định thành lập cái gọi là “khu Tây Sa” và “khu Nam Sa” thuộc “thành phố Tam Sa”. Cái gọi là trụ sở "khu Tây Sa" sẽ đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cái gọi là "khu Nam Sa" sẽ đặt trụ sở tại đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trước động thái này của phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 19/4 tuyên bố: "Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa và các hành vi liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai"./.