Học thuyết Hải quân mới của Nga: Lời đáp trả Mỹ và NATO
VOV.VN - Ngày 31/7, nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Hải quân Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh phê chuẩn Học thuyết Hải quân mới, trong đó xác định mối đe dọa chính đối với Nga là “chiến lược của Mỹ nhằm thống trị các đại dương trên thế giới” và quá trình Đông tiến của NATO.
Sau 7 năm, Nga tiếp tục sửa đổi Học thuyết Hải quân để phù hợp với tình hình mới. Văn bản mới nhất vừa được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký thông qua dày 55 trang.
Trong học thuyết Hải quân mới, Nga xác định: Những thách thức và mối đe dọa chính đối với an ninh quốc gia và sự phát triển bền vững của Liên bang Nga chính là lộ trình chiến lược của Mỹ đối với sự thống trị ở đại dương thế giới, bao gồm cả những tiến trình liên quan đến việc sử dụng thông tin liên lạc vận tải và các nguồn năng lượng của đại dương.
Ngoài ra, các mối đe dọa đối với Nga còn bao gồm việc nâng cấp cơ sở hạ tầng quân sự của NATO sát biên giới Nga và tổ chức các cuộc tập trận của liên minh trên vùng biển tiếp giáp với lãnh thổ Nga. Học thuyết cho rằng, hoạt động của NATO nhằm đối đầu trực tiếp với Nga và các đồng minh là điều không thể chấp nhận.
Nga sẽ cam kết “bảo vệ vị thế cường quốc biển”, bao gồm đẩy mạnh các hoạt động ở vùng Bắc Cực để bảo vệ lợi ích quốc gia của nước này.
Một mục tiêu chiến lược khác của Hải quân là nâng cao hiệu quả phòng thủ và bảo vệ biên giới trên biển của Liên bang Nga.
Cũng theo học thuyết mới, Nga sẽ quy định việc phát triển ngành công nghiệp đóng tàu ở Viễn Đông, cụ thể là để đóng tàu sân bay. Nga có thể sử dụng lực lượng quân sự tại các đại dương trên thế giới nếu các quyền lực mềm khác như các công cụ ngoại giao và kinh tế không đạt hiệu quả.
Học thuyết Hải quân của Nga cũng đặt ra mục tiêu “tăng cường toàn diện vị thế địa chính trị của Nga” ở Biển Đen và Biển Azov, vốn là hai vùng biển nằm gần Nga và vùng ảnh hưởng của Nga. Ngoài ra, Bắc Băng Dương cũng là một khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với Moscow.
Trong thời gian tới, Hải quân Nga sẽ ưu tiên phát triển hợp tác chiến lược với hải quân Ấn Độ cũng như hợp tác rộng rãi hơn với Iran, Iraq, Saudi Arabia và các quốc gia khác trong khu vực.
Trong bài phát biểu tại lễ duyệt binh hải quân ở St Petersburg, sau khi ký thông qua Học thuyết Hải quân mới, Tổng thống Nga đã vạch rõ những ưu tiên đối với một số vùng biển chiến lược, khẳng định lực lượng hải quân Nga có thể phản ứng nhanh trước bất kỳ sự xâm phạm chủ quyền và sự tự do.
“Chúng ta sẽ bảo vệ vững chắc đất nước bằng mọi cách. Điều quan trọng ở đây là năng lực của lực lượng hải quân chúng ta. Lực lượng này có thể phản ứng với tốc độ cực nhanh đối với tất cả những ai xâm phạm chủ quyền và tự do của chúng ta, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chiến lược trên biên giới của đất nước cũng như ở bất kỳ khu vực nào trên đại dương thế giới. Đồng thời, luôn sẵn sàng cao độ cho các hoạt động tích cực của các lực lượng và phương tiện ven biển, trên mặt đất, trên không, dưới tàu ngầm. Liên quan đến hệ thống tên lửa siêu thanh Zircon tân tiến, bất khả chiến bại, Hải quân sẽ sớm nhận được trong những tháng tới”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Theo Tổng thống Nga, khinh hạm Đô đốc Gorshko sẽ sớm nhận tên lửa hành trình siêu thanh Zircon – vốn có thể bay với vận tốc gấp 9 lần vận tốc âm thanh (tương đương hơn 11.000km/h).
Giới phân tích cho rằng, việc đưa ra học thuyết hải quân mới, chỉ rõ Mỹ và NATO là các mối đe dọa, Nga đã có màn đáp trả đối với “khái niệm chiến lược mới” của NATO công bố mới đây – vốn coi Nga là mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng nhất.
Học thuyết được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây liên quan đến tình hình Ukraine chưa có bất kỳ dấu hiệu hạ nhiệt nào. Hơn 10.000 lệnh trừng phạt đang nhằm vào Nga, trong NATO vẫn gia tăng áp lực quân sự bằng cách thúc đẩy việc mở rộng liên minh với việc kết nạp các thành viên mới sát Nga./.