Hội đồng Bảo an LHQ coi trọng hòa giải trong giải quyết tranh chấp
VOV.VN - Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 19/11 đã tổ chức phiên thảo luận mở về “Vai trò của hoà giải trong duy trì hoà bình và an ninh quốc tế”.
Dưới sự chủ trì của Vương quốc Anh, nước Chủ tịch tháng 11, chủ đề này đã thu hút sự quan tâm lớn với 62 lượt phát biểu từ các nước thành viên Liên Hợp Quốc. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã tham dự và phát biểu.
Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. |
Nhấn mạnh hoà giải có vai trò xây dựng hoà bình một cách bền vững, các ý kiến ủng hộ đẩy mạnh việc sử dụng hoà giải trong giải quyết tranh chấp và đưa ra nhiều giải pháp cho vấn đề này.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng xây dựng lòng tin, tôn trọng sự thật và bảo đảm tiếng nói của các thành phần đều được lắng nghe là các nhân tố quan trọng trong tiến trình hoà giải. Các nước cho rằng, trong tiến trình này, các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và không can thiệp phải được bảo đảm; các nguyên nhân gốc rễ dẫn đến xung đột phải được xem xét một cách công bằng.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc khẳng định Việt Nam kiên trì nguyên tắc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình và cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các cuộc xung đột lặp đi lặp lại và kéo dài là hoà giải, hoà hợp dân tộc chưa hiệu quả và chưa được quan tâm đúng mức.
Đại sứ Đặng Đình Quý phát biểu tại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. |
Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh trong tiến trình hoà giải, quốc gia liên quan trực tiếp đến xung đột phải là nhân tố quyết định. Hoà giải phải được đặt trong một cách tiếp cận dài hạn và tổng thể vì giải quyết tận gốc các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, công bằng và các vấn đề liên quan sẽ giúp xung đột được đẩy lùi một cách bền vững.
Trong phát biểu của mình, Đại sứ cũng đề cao vai trò quan trọng của các tổ chức khu vực trong việc trở thành một bên trong tiến trình hoà giải và vai trò của Liên Hợp Quốc trong việc xây dựng luật lệ, nâng cao nhận thức, điều phối và hỗ trợ quốc gia có tranh chấp./.