Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn về căng thẳng leo thang giữa Israel-Palestine
VOV.VN - Ngày 28/2 là lần thứ 3 chỉ trong vòng 2 tháng, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn về tình hình căng thẳng leo thang ở Bờ Tây. Bạo lực tiếp diễn bất chấp việc lãnh đạo Israel và Palestine ngày 26/2 gặp nhau tại Jordan và thống nhất một số giải pháp ban đầu nhằm làm dịu tình hình.
Cuộc họp diễn ra theo hình thức họp kín và theo đề nghị của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất sau khi hàng trăm người định cư Israel tấn công, đốt phá nhà cửa và ô-tô của người Palestine sinh sống ở Bờ Tây hôm 26/2.
Phát biểu với báo chí sau cuộc họp, Đại sứ Palestine tại Liên Hợp Quốc Riyad Mansour kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hành động để bảo vệ dân thường Palestine.
“Đã đến lúc Hội đồng Bảo an phải gánh vác trách nhiệm của mình, đặc biệt liên quan đến việc bảo vệ dân thường. Tại những thị trấn và làng mạc gần với các khu định cư của Israel, mọi người đang phải sống trong nỗi kinh hoàng. Trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, của thế giới văn minh cũng như tất cả các quốc gia quan tâm đến pháp quyền và tuân thủ luật pháp quốc tế là phải hành động ngay lập tức và làm mọi thứ có thể để bảo vệ dân thường Palestine”, ông Mansour nhấn mạnh.
Tình hình an ninh ngày một xấu đi ở Bờ Tây, bất chấp việc lãnh đạo Israel và Palestine cuối tuần trước đã ký một loạt thỏa thuận tại Jordani, đặc biệt trong đó có thỏa thuận thành lập ủy ban an ninh chung để nghiên cứu đổi mới cơ chế hợp tác an ninh. Các bên cũng đồng ý tổ chức một cuộc họp khác do Ai Cập bảo trợ ngay trước khi diễn ra tháng Ramadan nhằm thúc đẩy tiến độ hợp tác về an ninh. Tuy nhiên, một trong những khúc mắc lớn nhất vẫn tồn tại khi Israel vẫn kiên quyết không từ bỏ kế hoạch mở rộng các khu định cư và sáp nhập lãnh thổ tại Bờ Tây chiếm đóng.
Đại sứ Malta Vanessa Frazier, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc tháng 2 một lần nữa kêu gọi các bên liên quan kiềm chế các hành vi và lời nói có thể kích động bạo lực: “Các quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đều nhất trí rằng cần phải theo dõi sát tình hình căng thẳng leo thang tại Bờ Tây và cố gắng tìm kiếm giải pháp có thể ngăn chặn bất kỳ hành vi kích động bạo lực nào nữa có thể xảy ra, cũng như nhằm thúc đẩy đối thoại”.
Đã trở thành một hồ sơ bị quá hạn từ rất lâu, cuộc xung đột Israel - Palestine tiếp tục phát đi những tín hiệu nguy hiểm đến hòa bình và an ninh tại khu vực. Tuần trước, lần đầu tiên sau 6 năm, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã đồng thuận lên tiếng phản đối các khu chiếm đóng của Ixraen tại những vùng lãnh thổ của Palestine. Dù không đi đến được một nghị quyết mang tính ràng buộc, nhưng 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khẳng định hành động chiếm đóng của Israel đang gây hại cho sự sống còn của giải pháp hai nhà nước./.