Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án vụ thử hạt nhân của Triều Tiên
VOV.VN - Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sáng 10/9 khẳng định sẽ sớm đưa ra một nghị quyết nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên.
Sau cuộc họp kín, 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ra thông cáo lên án hành động này của Triều Tiên là vi phạm trắng trợn các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và là mối đe dọa đối với an ninh và hòa bình thế giới.
Hình ảnh một bãi thử hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an trong tháng 9, Đại sứ New Zealand Gerard van Bohemen cho biết: Các nước thành viên của hội đồng tái khẳng định quyết tâm có những biện pháp mạnh mẽ hơn trước việc Triều Tiên tiến hành một vụ thử hạt nhân nữa.
Cùng với cam kết này và tính nghiêm trọng của hành vi vi phạm của Triều Tiên, các thành viên Hội đồng Bảo an sẽ lập tức khởi động quá trình soạn thảo một nghị quyết trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên theo Điều 41, Chương 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Trước đó, Mỹ, Anh và Pháp đã thúc giục Hội đồng Bảo an áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của nước này.
Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Francois Delattre cho rằng, “các biện pháp trừng phạt mới là vô cùng cần thiết” và “Triều Tiên sẽ phải chịu hậu quả cho những hành động và sự khiêu khích của mình”.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power kêu gọi Liên Hợp Quốc cần đưa ra các biện pháp trừng phạt mới, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện các nghị quyết trừng phạt trước đó, nhằm “cho Triều Tiên thấy rằng sẽ có những hậu quả cho các hành động phi pháp và nguy hiểm của nước này”.
Bà Power cho rằng: “Một lần nữa, vụ thử hạt nhân này cho thấy Triều Tiên hoàn toàn coi thường luật pháp quốc thế, coi thường chính những cam kết của họ theo tuyên bố chung hồi tháng 9/2005 của đàm phán hạt nhân 6 bên, coi thường những nước vẫn ủng hộ họ cũng như 4 nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Nó cũng thể hiện sự coi thường nguời dân Triều Tiên và khu vực. Không chỉ vì thực tế là người dân Triều Tiên phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng vì chính phủ của họ ưu tiên phát triển vũ khí hạt nhân hơn là phúc lợi xã hội mà còn vì mỗi vụ thử này đều gây ra những hậu quả nghiêm trọng về môi trường cho Triều Tiên và khu vực”.
Hiện chưa rõ Trung Quốc có đồng ý các biện pháp cấm vận nặng hơn không. Còn Nga thì cho rằng cần có biện pháp mới để phản ứng trước vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, thay vì cấm vận.
Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, vẫn còn quá sớm để từ bỏ hy vọng về cuộc đàm phán sáu bên: “Tình hình hiện nay cho thấy các nhà ngoại giao cần phải sáng tạo hơn thay vì cứ áp đặt trừng phạt và làm trầm trọng thêm vấn đề. Tôi cho rằng bằng cách lên án hành động nguy hiểm này của Triều Tiên, chúng ta cần phải kiềm chế để căng thẳng leo thang và đẩy khu vực đến bờ vực một cuộc đối đầu vũ trang”.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban ki-moon ngày 9/9 đã lên án vụ thử hạt nhân của Triều Tiên và kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đoàn kết và đưa ra hành động quyết liệt để “khẩn trương chấm dứt tình trạng leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên”.
Ông Ban ki-moon nêu rõ: “Chúng tôi đang giám sát và đánh giá diễn biến tình hình sau vụ thử hạt nhân này, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, bao gồm cả Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) và các bên liên quan".
Cùng với 2 vụ thử hạt nhân liên tiếp trong năm nay, theo Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Toàn cầu (RAND), trong 4 năm lãnh đạo, ông Kim Jong-Un đã cho tiến hành 37 vụ thử tên lửa, nhiều gấp đôi so với số lượng thử nghiệm dưới thời cha ông, nhà lãnh đạo Kim Jong-Il là 17 vụ.
Trang tin tức chuyên bình luận các vấn đề chính trị khu vực châu Á Diplomat nhận định, vụ thử hạt nhân lần thứ 5 cho thấy, những biện pháp cấm vận trong suốt 8 năm qua không có tác dụng và các bên cần một phương án mới nếu muốn “kiềm chế” Triều Tiên.
Theo Phó Giáo sư Đại học Yonsei, Hàn Quốc, John Delury, đây là thời điểm thích hợp để Mỹ bàn thảo một chính sách nghiêm túc về việc xem xét lại kế hoạch đang áp dụng với Triều Tiên./.