Hội nghị BRICS: Brazil đứng trước lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc?
VOV.VN - Chính quyền Brazil muốn xích lại gần Mỹ nhưng Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil.
Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) lần thứ 11 với chủ đề “Tăng trưởng kinh tế mở ra tương lai sáng tạo” diễn ra trong hai ngày 13-14/11 tới tại thủ đô Brasilia, Brazil.
Biểu tượng về khối BRICS. Ảnh: VifIndia. |
Đây là hội nghị thượng đỉnh BRICS đầu tiên mà Tổng thống Brazil Bolsonaro tham dự với tư cách nước chủ nhà tổ chức kể từ khi nhậm chức vào tháng 1 vừa qua. Hội nghị lần này được cho sẽ là phép thử kĩ năng ngoại giao của ông Bolsonaro trong việc thúc đẩy hợp tác với đối tác thương mại lớn Trung Quốc nhưng vẫn không làm “mất lòng” Mỹ.
Tổng thống Bolsonaro sẽ có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh BRICS và chứng kiến lễ ký kết văn bản hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Cùng với chuyến thăm tới Trung Quốc vào tháng trước, các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo được cho là nỗ lực của Tổng thống Bolsonaro nhằm cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc – đối tác thương mại quan trọng nhất của Brazil kể từ năm 2009.
Đại sứ Brazil tại Trung Quốc Paulo Estivallet de Mesquita cũng đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới: “Chúng ta có thể tự hào với những thành quả đạt được trong 45 năm quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Brazil. Từ con số thương mại song phương là 3 tỉ USD hiện con số đó đã là hơn 100 tỷ USD. Số đầu tư của Trung Quốc tại Brazil cũng rất lớn. Nói chung tôi nghĩ rằng chúng ta hài lòng với những gì đang làm và có một cơ sở tốt để tiếp tục hợp tác”.
Khi lên nắm quyền vào tháng 1 năm nay, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Brazil không đang trong thời kì mật ngọt, với việc ông Bolsonaro từng cáo buộc Trung Quốc “đang mua Brazil” trong chiến dịch tranh cử. Ông Bolsonaro, người hâm mộ cuồng nhiệt Tổng thống Trump cũng có những chính sách đối ngoại “xích dần” với Mỹ. Mặc dù vậy, Brazil hiện đang phải chịu áp lực từ ngành thịt bò, nông nghiệp và khai thác mỏ….Do đó, chính phủ có chính sách thân thiện với doanh nghiệp của ông Bolsonaro đang cố gắng cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia Mỹ Latin này.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ kéo dài nhiều tháng qua, gây tổn hại đến nền kinh tế thế giới. Ngay trước thềm Hội nghị, phía Trung Quốc hy vọng Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần này sẽ phát đi thông điệp ủng hộ chủ nghĩa đa phương- điều mà Tổng thống Trump luôn hoài nghi.
Đại sứ Trung Quốc tại Brazil Dương Vạn Minh cho biết: “Chúng tôi có mọi lý do để hi vọng và tin tưởng rằng Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 11 BRICS sẽ đánh dấu sự khởi đầu của sự hợp tác thập kỉ vàng mới. Các thành viên của khối sẽ có tiếng nói chung, kêu gọi ủng hộ chủ nghĩa đa phương và một nền kinh tế thế giới mở”.
Theo chuyên gia Luis Fernandes của Trung tâm chính sách BRICS tại Rio de Janeiro, với tư cách nước chủ nhà BRICS năm nay đang đặt Tổng thống Bolsonaro vào thế khó. Mặc dù có một lòng trung thành mạnh mẽ với chính quyền Tổng thống Trump, nhưng ông Bolsonaro vẫn phải duy trì các kênh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư mở với Trung Quốc. Do đó, Hội nghị BRICS sẽ là phép thử kĩ năng ngoại giao của ông Bolsonaro trong việc tiếp tục nỗ lực củng cố quan hệ với Trung Quốc, nhưng vẫn không được làm “mếch lòng” Mỹ.
Hội nghị BRICS với chủ đề “Tăng trưởng kinh tế mở ra tương lai sáng tạo” năm nay cũng diễn ra trong bối cảnh có sự chênh lệch đáng kể về sức mạnh kinh tế giữa các thành viên BRICS và sự khác biệt sâu sắc về các vấn đề như biến đổi khí hậu hay cách tiếp cận với các cuộc khủng hoảng trong khu vực. Do đó, với tư cách là nước chủ nhà, ông Bolsonaro sẽ gặp thách thức khi cố làm hài hòa các quan điểm để các bên có thể thống nhất lập trường chung trong một tuyên bố về những vấn đề của khối cũng như toàn cầu./.