Hội nghị G20: Cơ hội để Mỹ-Trung giảm căng thẳng thương mại
VOV.VN - Tại hội nghị G20, sự chú ý tập trung sẽ đổ dồn vào cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Cuối tuần này Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Osaka, Nhật Bản. Tại hội nghị, sự chú ý tập trung sẽ đổ dồn vào cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau lần đầu tiên trong vòng 7 tháng qua để thảo luận về mối quan hệ đang xấu đi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: EJ Insight. |
Hôm 25/6, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người dẫn đầu phái đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc đã điện đàm với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhằm giúp tạo ra lộ trình mới cho quá trình đàm phán giữa hai lãnh đạo Mỹ-Trung vào cuối tuần. Theo truyền thông Trung Quốc, hai bên đã trao đổi ý kiến về các vấn đề kinh tế và thương mại theo định hướng của hai nguyên thủ quốc gia. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục duy trì liên lạc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết: "Về cuộc gặp sắp tới giữa hai nguyên thủ quốc gia tại hội nghị G20. Tôi biết, hai bên đang hợp tác chặt chẽ theo chỉ thị của hai lãnh đạo. Liên quan đến Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, chúng tôi hy vọng hội nghị thượng đỉnh Osaka sẽ gửi tín hiệu mạnh mẽ ủng hộ chủ nghĩa đa phương và chống lại chủ nghĩa đơn phương, ủng hộ sự cởi mở và toàn diện và chống lại chủ nghĩa bảo hộ, ủng hộ hợp tác và kết quả cùng có lợi. Tôi nghĩ đây cũng là trách nhiệm của G20, diễn đàn lớn cho hợp tác kinh tế quốc tế trong tình hình mới".
Nguồn tin từ phía Mỹ cho biết, cuộc điện thoại giữa hai bên hiệu quả và tích cực. Mỹ và Trung Quốc đã thảo luận về việc làm thế nào để khiến nhân dân hai nước thấy rằng kết quả của các cuộc đàm phán thương mại là một chiến thắng. Theo một quan chức cấp cao Mỹ, mục tiêu của cuộc gặp là tạo ra một lộ trình hướng tới việc đạt được một thỏa thuận thương mại sau khi các cuộc đàm phán vào tháng trước thất bại. Mặc dù mỗi bên đều muốn có được sự nhượng bộ đáng kể từ phía đối phương song cả hai đều nhất trí rằng sẽ thực hiện những bước đi "có qua có lại" và hướng đến một thỏa thuận "đình chiến".
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu Mỹ và Trung Quốc có sắp xếp một kế hoạch cụ thể cho việc dừng đáp trả thuế quan lẫn nhau hay không.
Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung tại Hội nghị thượng đỉnh tại Osaka sắp tới sẽ là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo gặp nhau kể từ khi các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đổ vỡ hồi tháng 5 sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc rút lại các cam kết đã được thỏa thuận trước đó. Sự tiếp xúc giữa hai bên kể từ đó đã bị hạn chế và Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ áp thêm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trong một cuộc leo thang mà doanh nghiệp cả hai bên đều muốn tránh.
Sự kỳ vọng cho cuộc gặp sắp tới cho đến nay dường như được đánh giá thấp. Cả Mỹ và Trung Quốc hiện vẫn đang khẳng định lại lập trường kiên quyết trước đây. Trong khi Mỹ kêu gọi thay đổi cơ cấu trong nền kinh tế Trung Quốc và cách thức Trung Quốc đối xử với các doanh nghiệp Mỹ, thì Trung Quốc đáp lại bằng cách kêu gọi đối thoại thay vì áp đặt thuế quan cao. Giới chuyên gia nhận định, nhiều khả năng hai bên sẽ đạt được một thỏa hiệp "ngừng bắn” hơn là đi đến một thỏa thuận thương mại tại hội nghị lần này./.