Hội nghị G20 khẳng định hợp tác ngăn chặn khủng hoảng nợ

Lãnh đạo G20 đã nhất trí thảo luận kế hoạch bơm tiền cho nền kinh tế thế giới thông qua IMF nhằm tăng khả năng thanh khoản trên toàn cầu.

Trong cuộc họp đang  diễn ra ở thành phố Canne, Pháp, lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) khẳng định hợp tác ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đang tác động xấu tới sự bình ổn của nền kinh tế toàn cầu.

Dưới sự chủ trì của Tổng thống Pháp, nước đang đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên G20, các nhà lãnh đạo đã nhất trí thảo luận kế hoạch bơm tiền cho nền kinh tế thế giới thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm tăng khả năng thanh khoản trên toàn cầu.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng đang thúc đẩy xem xét việc phân chia Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) - đơn vị tiền tệ quy ước của IMF và được coi như một loại tài sản dự trữ quốc tế nhằm bổ sung cho tài sản dự trữ của các quốc gia, cho 187 nước thành viên. Theo đó, một số nước có thể quyết định bán một phần hoặc tất cả tỷ lệ Quyền rút vốn đặc biệt của mình cho các nước khác để đổi lấy ngoại tệ mạnh.

Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp (ảnh: AP)

G20 cũng khẳng định sẽ cùng với châu Âu giải quyết cuộc khủng hoảng nợ thông qua một kế hoạch tổng thể, trong đó coi việc giảm nợ cho Hy Lạp, tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và tăng vốn cho Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) cùng với vấn đề phối hợp với nhau trong các chính sách kinh tế.

“Nếu tôi có thể miêu tả bầu không khí, tôi sẽ nói rằng sẽ khá là nghiêm trọng với nỗi lo sợ sụt giảm tăng trưởng không chỉ ảnh hưởng đến các nước phát triển mà cả thế giới. G20 nhất trí sẽ phối hợp tốt hơn trong các chính sách kinh tế khi mà các nền kinh tế của G20 chưa có sự đồng nhất”, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nói.

Trong cuộc họp ngày 4/11, lãnh đạo G20 cũng tập trung thảo luận giải pháp nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế cho IMF và xây dựng "bức tường lửa" để bảo vệ các nước tránh đi vào vết xe đổ như Hy Lạp.        

Cũng đề cập đến cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố nhiệm vụ quan trọng nhất của G20 lúc này là giải quyết cuộc khủng hoảng do Hy Lạp châm ngòi. Ông Obama khẳng định hội nghị lần này là diễn đàn để các nước thảo luận thêm những biện pháp thực thi kế hoạch giải cứu châu Âu một cách tổng thể và dứt khoát.

Ông cũng tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục là một đối tác của châu Âu trong nỗ lực giải quyết những khó khăn hiện nay tại "châu lục già". Tổng thống Nga Dmitry Mevedev cũng kêu gọi châu Âu thực hiện những bước đi khẩn cấp hơn nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng mà Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda từng cảnh báo rằng có thể tạo thành "phản ứng dây chuyền" trên khắp thế giới. Các nhà lãnh đạo G20 kêu gọi châu Âu lập lại trật tự để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên