Hội nghị G8 sẽ làm được gì?
Nhiều nhà phân tích cho rằng, hội nghị lần này chỉ mang tính chất một cuộc trao đổi thông thường chứ không thể đưa ra một hành động đột phá nào cho cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.
Cuộc họp của 8 nước công nghiệp phát triển G8 sẽ diễn ra vào ngày 18/5, tại trại David bang Maryland của Mỹ. Đây sẽ là Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên của các nhà lãnh đạo từ các quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới, kể từ khi khu vực đồng tiền chung châu Âu hoàn thành một loạt các biện pháp khắc khổ để giải quyết các vấn đề trong khu vực.
Các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào những câu hỏi cấp bách, đó là: làm thế nào để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia phát triển trong khi vẫn kiểm soát được tình hình nợ công và trong trường hợp cuộc khủng hoảng nợ trở nên tồi tệ hơn thì cần phải có những bước đi như thế nào để bảo vệ nền kinh tế châu Âu nói riêng và toàn cầu nói chung?
“Ảm đạm” được nhận định sẽ là trạng thái bao trùm không khí của cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo G8 vào ngày mai, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn hết sức mong manh, với sự phục hồi non nớt của nền kinh tế Mỹ, trong khi nhiều quốc gia châu Âu vẫn đang phải vật lộn với suy thoái kinh tế.
Châu Âu đang đặt hy vọng vào Hội nghị G8 lần này |
Các nhà lãnh đạo G8 cũng sẽ cần phải thảo luận xem liệu các chính sách được thực hiện trong những năm qua có thể giúp khu vực đồng euro trụ được trước cú sốc nếu như Hy Lạp buộc phải rời khỏi đây hay chưa. Hội nghị sẽ là một “cơ hội” để Mỹ, Pháp, Italy và có lẽ là cả Anh cùng làm việc với Đức để tìm ra cách linh hoạt hơn nhằm phục hồi hệ thống tiền tệ.
Các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Italy, 3 nước khu vực đồng euro nằm trong khối G8 sẽ là những người ngồi “ghế nóng” tại Hội nghị lần này. Trong đó, Thủ tướng Italy Mario Monti và đặc biệt là tân Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ cần phải chứng minh những nỗ lực của họ trên cương vị mới.
Tổng thống Pháp Hollande có thể sẽ phải đối mặt với câu hỏi từ các nhà lãnh đạo G8 về những cam kết của ông trong chiến dịch tranh cử nhằm thúc đẩy hiệp ước tài chính EU.
Song nhiều nhà phân tích cho rằng, hội nghị lần này chỉ mang tính chất một cuộc trao đổi thông thường giữa các nhà lãnh đạo thế giới, sẽ không thể đưa ra một tuyên bố hay một hành động đột phá nào cho cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.
Những mối đe doạ tức thì đối với tương lai của khu vực đồng euro hiện đang được đặt vào Hy Lạp, và càng ngày người ta càng lo sợ rằng, Hy Lạp sẽ buộc phải rời khỏi đồng euro, chứ không thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng để đổi lấy gói cứu trợ.
Song, nguy hiểm hơn, nếu việc này xảy ra, thì nó sẽ như một hiệu ứng đô-mi-nô, kéo các nền kinh tế đang gặp khó khăn khác của châu Âu, đó là Tây Ban Nha và Italy, rơi xuống bờ vực phá sản. Khi đó, những hệ luỵ từ việc Hy Lạp phải rời khỏi khu vực đồng euro không chỉ là vấn đề nghiêm trọng đối với châu Âu, mà còn đối với cả Mỹ, bởi sự suy thoái trong thương mại có thể khiến các công ty của Mỹ, cũng như thị trường chứng khoán và thị trường tín dụng toàn cầu chao đảo.
Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G8 do Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì, các nước bên ngoài khu vực đồng euro đang lo lắng rằng, liệu các biện pháp cấp bách mà các nhà lãnh đạo châu Âu đã đưa ra trong những năm qua, bao gồm cả các quĩ cứu trợ tài chính khổng lồ và những khoản vay vốn giá rẻ đối với các ngân hàng yếu kém, có thực sự hiệu quả hay không.
Lãi suất trái phiếu Tây Ban Nha và Italy mới đây đã tăng vượt quá ngưỡng cho phép, là một bằng chứng cho thấy những nỗ lực chống lại cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu đã không thể phát huy tác dụng.
Trước tình hình này, Anh và Canada, 2 thành viên G8 luôn có những lời chỉ trích gay gắt nhất đối với khu vực đồng euro đã rung chuông báo động khi cho rằng, khu vực đồng euro hoàn toàn có thể sụp đổ bởi tình trạng chính trị tê liệt của Hy Lạp và sự bất đồng giữa các nước xung quanh các chính sách kinh tế.
Thủ tướng Italy Monti cũng cảnh báo châu Âu đang đứng trước một thời điểm quan trọng và khủng hoảng nợ công không chỉ là mối đe doạ đối với riêng khu vực này: “Tôi cho rằng tình hình kinh tế của châu Âu và khu vực đồng tiền chung châu Âu đang là mối lo ngại đối với cả nước Mỹ. Rõ ràng là những mối lo ngại đang ngày càng lớn, dối với tất cả chúng ta, sau những hỗn loạn trên chính trường Hy Lạp và các vấn đề khác của châu Âu. Những vấn đề này sẽ trở thành trọng tâm tại cuọc họp G8 ở trại David”.
Châu Âu đang đi những bước đi khó khăn và nặng nề, trước hết là để cứu Hy Lạp, sau là để cứu cả khu vực khỏi bị kéo xuống bờ vực phá sản. Không còn thời gian cho những tranh cãi, bất đồng, hay những tuyên bố suông, thay vào đó, châu Âu đang cần nhiều hơn những cái bắt tay, những quyết định, hành động mang tính đột phá, để thoát khỏi cơn bão nợ công đang có nguy cơ nhấn chìm cả khu vực này. Hi vọng G8 sẽ góp phần làm được điều đó./.