Hội nghị NAM khép lại cùng những ảnh hưởng quốc tế

(VOV) - Một trong những nội dung được đưa ra trong Văn kiện của Hội nghị là kiên định các nguyên tắc hoà bình.

Tối 31/8, Hội nghị Cấp cao lần thứ 16 Phong trào Không liên kết đã bế mạc tại thủ đô Tehran của Iran. Kết thúc hai ngày thảo luận, hội nghị đã nhất trí thông qua Văn kiện cuối cùng phản ánh quan điểm và những định hướng lớn của Phong trào Không liên kết trên các lĩnh vực an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, quyền con người, các vấn đề quốc tế và khu vực. 

Phiên họp của Ngoại trưởng các nước Phong trào Không liên kết tại Tehran (Ảnh: AFP)

Theo Văn kiện, tình hình thế giới hiện nay đặt ra nhiều thách thức lớn về hòa bình, an ninh, phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Trong bối cảnh đó, Phong trào Không liên kết khẳng định tiếp tục kiên định các Nguyên tắc sáng lập của Phong trào và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Văn kiện khẳng định trong hơn 50 năm qua, Phong trào Không liên kết đã đóng vai trò then chốt trên các vấn đề có ‎ý nghĩa sống còn đối với các nước thành viên như xóa bỏ chủ nghĩa thực dân, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, giải trừ quân bị.

Bên cạnh đó, Văn kiện đề cập tình hình tại các khu vực trên thế giới, trong đó có Đông Nam Á. Nội dung phần Đông Nam Á được cập nhật trên cơ sở Văn kiện Hội nghị Cấp cao 15 (2009), nêu những diễn biến mới ở khu vực, hoan nghênh việc thông qua Hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (Bali, 2011), đồng thời khẳng định lại lập trường của Phong trào về giải quyết các tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, ủng hộ các nguyên tắc trong Tuyên bố năm 1992 của ASEAN về Biển Đông và Tuyên bố năm 2002 về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, hoan nghênh nỗ lực của các bên nhằm thực hiện hiệu quả DOC như một bước quan trọng tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).   

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nhấn mạnh trong 3 năm qua, nhiều quốc gia thành viên Phong trào Không liên kết đã nỗ lực giải quyết những khó khăn của mình, đồng thời phối hợp với nhau trên thực địa và tại các diễn đàn quốc tế để xây dựng và triển khai các biện pháp trên nhiều lĩnh vực, mang lại những kết quả khả quan, thể hiện nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

Là quốc gia thành viên của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á năm 1976 và Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, Việt Nam cam kết mạnh mẽ đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển.

Bộ trưởng Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam ủng hộ các sáng kiến nhằm tăng cường quản trị toàn cầu như được nhấn mạnh trong chủ đề của Hội nghị lần này là "Hòa bình bền vững thông qua quản trị toàn cầu chung” do chúng ta cần phải củng cố các tiến trình và cơ chế thúc đẩy các nỗ lực chung ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Việt Nam chủ trương thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, hòa bình, hợp tác, phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là thành viên tích cực, đáng tin cậy và có trách nhiệm của Phong trào Không liên kết và cộng đồng quốc tế. Theo đó, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị, tin cậy lẫn nhau với các nước thành viên của Phong trào Không liên kết và các nước khác trên thế giới.

Như vậy, sau một tuần lễ sôi động, hội nghị các cấp của Phong trào Không liên kết (NAM) diễn ra ở thủ đô Tehran (Iran) đã khép lại. Dù còn nhiều khó khăn thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra, song các nước Phong trào Không liên kết cũng có những ảnh hưởng lớn trong mối quan hệ quốc tế. Đây cũng là điều mà Tổng Thư ký Ban Ki-moon phát biểu khi tham gia hội nghị:

“Ngày nay, Phong trào Không liên kết đại diện cho gần 2/3 thành viên của Liên Hợp Quốc, đóng góp gần 4/5 quân số cho lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc. Tôi cám ơn những đóng góp to lớn của các nước Phong trào Không liên kết”.

Hàng loạt các vấn đề nóng bỏng, như bất ổn, xung đột, nhất là cuộc khủng hoảng ở Syria, quyền tự quyết của Palestine, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, mặt trái của toàn cầu hóa, tình trạng bất bình đẳng trong các hệ thống tài chính, thương mại quốc tế, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng... được Hội nghị lần này tập trung bàn thảo.

Như vậy có thế thấy, các nước Phong trào Không liên kết đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra vận hội công bằng, tham gia tích cực vào giải quyết các vấn đề toàn cầu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhiều diễn biến quan trọng tại Hội nghị NAM
Nhiều diễn biến quan trọng tại Hội nghị NAM

(VOV) - Tổng thống Ai Cập tố chính quyền Tổng thống Syria “bạo ngược”.

Nhiều diễn biến quan trọng tại Hội nghị NAM

Nhiều diễn biến quan trọng tại Hội nghị NAM

(VOV) - Tổng thống Ai Cập tố chính quyền Tổng thống Syria “bạo ngược”.

Bế mạc Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết
Bế mạc Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết

Kết thúc hai ngày thảo luận, hội nghị đã nhất trí thông qua Văn kiện phản ánh quan điểm và những định hướng lớn của Phong trào Không liên kết.

Bế mạc Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết

Bế mạc Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết

Kết thúc hai ngày thảo luận, hội nghị đã nhất trí thông qua Văn kiện phản ánh quan điểm và những định hướng lớn của Phong trào Không liên kết.

Ông Ban Ki-moon tham dự Hội nghị NAM
Ông Ban Ki-moon tham dự Hội nghị NAM

Hội nghị cấp cao của phong trào không liên kết lần thứ 16 chính thức khai mạc vào ngày 30/8 tại Iran.

Ông Ban Ki-moon tham dự Hội nghị NAM

Ông Ban Ki-moon tham dự Hội nghị NAM

Hội nghị cấp cao của phong trào không liên kết lần thứ 16 chính thức khai mạc vào ngày 30/8 tại Iran.