Hội nghị Tài chính G20 căng thẳng vì bất đồng thương mại
VOV.VN - Trong tuyên bố chung, các lãnh đạo tài chính G20 không thể hiện quyết tâm giải quyết vấn đề tranh chấp thương mại.
Sau 2 ngày làm việc căng thẳng, Hội nghị bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) kết thúc hôm qua (9/6) tại thành phố Fukuoka của Nhật Bản. Mặc dù hội nghị đã ra được Tuyên bố chung đề cập nhiều vấn đề nóng mà kinh tế thế giới đang phải đối mặt, nhưng bất đồng rõ ràng đang nổi lên giữa Mỹ và các quốc gia tham gia Hội nghị trong cách tiếp cận giải quyết vấn đề căng thẳng thương mại, tiếp tục phủ bóng lên Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 6/2019.
Các quan chức chuẩn bị dự một cuộc họp tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 hôm 8/6. Ảnh: Reuters |
Thông cáo chung đưa ra sau cuộc họp thừa nhận sự gia tăng căng thẳng thương mại và địa chính trị là những thách thức đối với kinh tế toàn cầu và các nước cam kết tiếp tục giải quyết những nguy cơ, cũng như sẵn sàng có thêm những hành động để giảm thiểu những mối đe dọa đối với thương mại toàn cầu.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso khẳng định:“Có sự đồng thuận rằng tăng trưởng toàn cầu có xu hướng ổn định và nói chung khả quan vào cuối năm 2019. Các nước G20 tái khẳng định sẽ sử dụng tất cả các công cụ chính sách để hỗ trợ sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng”.
Ngoài ra, các nước thành viên G20 cũng thể hiện quyết tâm đối phó với hoạt động trốn thuế bằng việc tiến tới xây dựng bộ quy tắc chung về thuế doanh nghiệp vào năm 2020, thúc đẩy tăng cường tính minh bạch trong hoạt động vay và cho vay, cũng như đảm bảo phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng bền vững hơn. Với những vấn đề đồng thuận cho thấy hội nghị đã đạt được một số thành công nhất định, phần nào chứng tỏ đây vẫn là một cơ chế hành động thực tế và có trách nhiệm trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu.
Tuy nhiên, giải pháp cho vấn đề gai góc nhất đó là tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như xu hướng chủ nghĩa bảo hộ gia tăng dường như không làm thỏa mãn giới đầu tư. Trong tuyên bố chung, các lãnh đạo tài chính G20 không thể hiện quyết tâm giải quyết vấn đề tranh chấp thương mại. Tuyên bố chung cũng không có cam kết nào liên quan tới chống chủ nghĩa bảo hộ.
Điều đó cho thấy sức ép và bất đồng gia tăng giữa Mỹ và các nước khác tại Hội nghị, với việc Mỹ đang thúc đẩy cách tiếp cận giải quyết bất đồng thương mại từ khuôn khổ các diễn đàn đa phương như Tổ chức Thương mại Thế giới sang cách tiếp cận song phương với chính sách "Nước Mỹ trên hết". Tổng giám đốc Qũy tiền tệ quốc tế Christine Lagarde trước đó cảnh báo, bất đồng thương mại với việc áp thuế trả đũa lẫn nhau giữa các nước có thể là "phanh hãm" tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
“Chính sách áp thuế lẫn nhau tác động lên thị trường cùng với các hậu quả nghiêm trọng.Chúng ta không thiếu những rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Quyết định áp thuế lẫn nhau hay cảnh báo đe dọa áp thuế sẽ tạo thêm những bất ổn và sự không chắc chắn đối với nền kinh tế toàn cầu", bà Christine Lagarde nói.
Những bất đồng tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục phủ bóng lên Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 6/2019. Dư luận đang hy vọng Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được một thỏa thuận thương mại tại Hội nghị thượng đỉnh, tránh việc Mỹ tiếp tục đánh thuế nhằm vào hàng hóa Trung Quốc, đẩy cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung lên một nấc thang căng thẳng mới khiến cả thế giới lo ngại./.
Bộ trưởng Tài chính G20 thúc đẩy cân bằng thương mại
Các Bộ trưởng Tài chính G20 tập trung thảo luận về bất đồng thương mại