Hội nghị thượng đỉnh EU có tháo được “nút thắt” Brexit?

VOV.VN - Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU lần này, cả phía Anh và EU đều nhiều lần nhắc đến khả năng hai bên không đạt thỏa thuận về Brexit.

Cuộc họp xuyên đêm

Trong chiều và tối ngày 17/10, bà Theresa May đã đến Brussels. Trong buổi chiều, bà May đã có các cuộc gặp song phương với Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron. Sau đó, phát biểu trước báo chí, bà May cho biết nước Anh đã sẵn sàng cho một thoả thuận Brexit, và nếu các bên làm việc chặt chẽ, quyết liệt cùng nhau thì việc đạt được thoả thuận Brexit ngay tại Hội nghị Thượng đỉnh EU lần này là vẫn khả thi.

Thủ tướng Theresa May cho biết nước Anh đã sẵn sàng cho một thoả thuận Brexit. Ảnh: Daily Express

Tuy nhiên, khi đến Hội nghị Thượng đỉnh thì các lãnh đạo châu Âu đều tỏ ra rất thận trọng. Tổng thống Pháp, Emmnauel Macron cho biết hai bên đều có thiện chí tiến lên, nhưng vẫn chưa thành công. Thủ tướng Đức, Angela Merkel thì cho biết “90% mọi việc đã được giải quyết, nhưng vẫn còn nhiều điều phải bàn”. Trước đó nữa thì Chủ tịch Nghị viện châu Âu, ông Antonio Tajani cũng cho biết là không khí đối thoại đã bớt căng thẳng hơn nhiều so với tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức tại Salzburg (Áo) cuối tháng 9/2018, nhưng phía châu Âu vẫn chưa nhận được bất cứ nội dung đề xuất nào mới từ phía bà May.

Đến gần nửa đêm thì một quan chức EU đưa ra thông tin là trong những giờ họp đầu tiên, 27 nguyên thủ châu Âu nhận thấy là tiến trình đàm phán Brexit hiện nay chưa có các bước tiến đủ lớn để EU quyết định tổ chức một hội nghị Thượng đỉnh bất thường khác vào tháng 11/2018 như dự kiến trước đó. Nếu điều này được khẳng định chính thức thì có thể thấy là phía EU đã đưa ra một thông điệp rất cứng rắn sau bài phát biểu của bà May để buộc chính phủ Anh đưa ra thêm các nhượng bộ.

Đến khoảng 1h sáng ngày 18/10 theo giờ địa phương tại Brussels thì cuộc họp đầu tiên của nguyên thủ 27 nước EU đã kết thúc và theo các ông Sebastian Kurz, Thủ tướng Áo, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu hay Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte, thì dù không có đề xuất nào mới được bà May đưa ra nhưng nhìn chung thì hai bên đang giữ không khí lạc quan và tích cực.

Khúc mắc lớn nhất: Biên giới Bắc Ireland

Vấn đề biên giới Bắc Ireland là vấn đề vô cùng phức tạp và là trở ngại chính cho việc đạt được thoả thuận Brexit vì những nguyên nhân sau. Trong nhiều thập niên trước đây thì tại Bắc Ireland có các phong trào cũng như các đảng phái chính trị, tiêu biểu là Sinn Fein, chủ trương đấu tranh bạo lực để tách Bắc Ireland khỏi Vương quốc Anh và hợp nhất với CH Ireland thành một quốc gia thống nhất trên đảo Ireland.

Phong trào này kéo dài hơn 3 thập kỷ từ những năm 60 cho đến thập kỷ 90 và đã khiến hơn 3.400 người thiệt mạng. Vì thế, đến tháng 4/1998, các bên đã đi đến ký kết một thoả thuận hoà bình, được gọi là “Thoả thuận ngày thứ Sáu tốt lành” để chấm dứt các xung đột. Trong rất nhiều điều khoản của thoả thuận này thì có việc xoá bỏ các biên giới vật lý giữa Bắc Ireland và CH Ireland, cũng như việc tự do thông thương giữa hai vùng này.

Tuy nhiên, sự kiện Brexit đã đe doạ thoả thuận này bởi theo lý thuyết, khi Brexit có hiệu lực thì toàn bộ Vương quốc Anh, mà Bắc Ireland là một phần trong đó, sẽ rời Liên minh châu Âu và khi đó sẽ phải tái lập lại biên giới với khối này, tức là giữa vùng Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh và nước CH Ireland thuộc EU sẽ phải có biên giới ngăn cách.

Vì thế, phía EU đề xuất để vùng Bắc Ireland ở lại trong liên minh thuế quan châu Âu, qua đó giữ nguyên thực trạng thông thương giữa Bắc Ireland và CH Ireland như hiện nay, và EU sẽ kiểm soát hàng hoá từ phần còn lại của Anh vào Bắc Ireland. Tuy nhiên, phía Anh kiên quyết phản đối đề xuất này vì cho rằng như thế là chia cắt Bắc Ireland khỏi Vương quốc Anh và sự chia cắt này có thể trở thành vĩnh viễn. Đổi lại, phía Anh đề xuất là để cả Anh và Bắc Ireland ở lại trong liên minh thuế quan châu Âu trong thời gian quá độ, cho đến khi Anh và EU ký được thoả thuận mới. Ý kiến này từ phía Anh lại bị 27 nước EU phản đối kịch liệt vì cho rằng nếu làm thế thì Anh coi như vẫn ở lại trong EU mà lại không phải tuân thủ các nghĩa vụ khác của EU và Brexit như thế chỉ còn là danh nghĩa.

Chính vì thế, ngay khi bắt đầu tiến trình đàm phán Brexit, phía EU đã đặt ra ưu tiên giải quyết vấn đề này, vừa để đảm bảo lợi ích cho thành viên của mình là CH Ireland , vừa để tránh cho việc này tác động đến chuyện đàm phán với Anh về quan hệ tương lai giữa hai bên. Bởi lẽ, như giới phân tích ở châu Âu nhận định, là dù trong tương lai quan hệ giữa EU và Anh có chặt chẽ thế nào thì cũng chắc chắn sẽ có ngăn trở, không thể tự do tuyệt đối như khi Anh là thành viên EU. Tức là trong tương lai, việc kiểm soát hải quan giữa EU và Anh chắc chắn sẽ phải thực hiện ở một mức độ nào đó, và khi đó thì cũng sẽ phải giải quyết chuyện thông thương qua lại giữa Bắc Ai-len thuộc Anh và CH Ireland thuộc EU.  

Đây là nguyên nhân sâu xa khiến EU muốn giải quyết dứt điểm vấn đề biên giới trên đảo Ireland ngay từ giai đoạn 1 của Brexit, tức là giai đoạn bàn về chuyện chia tay, chứ không muốn để đến giai đoạn 2, là giai đoạn bàn về quan hệ tương lai giữa Anh và EU.

Khả năng “không có thoả thuận Brexit” ngày càng tăng?

Trong chiều tối qua tại Brussels, đã có rất nhiều thông tin được bàn luận về vấn đề biên giới Bắc Ireland . Và một trong các ý tưởng đang được thảo luận nhiều tại Brussels là việc Chủ tịch Nghị viện châu Âu, ông Antonio Tajani có nói với bà Theresa May về khả năng EU sẽ kéo dài thời hạn quá độ của Anh thêm 1 năm, tức là trước đây Anh có thời hạn quá độ 21 tháng, từ 30/3/2019 đến 31/12/2020 thì nay sẽ được kéo đến 31/12/2021. Việc kéo dài thời hạn quá độ này được cho là để giảm nhẹ các đòi hỏi về vấn đề biên giới Bắc Ireland và để các bên có thêm thời gian đàm phán. Bà May đã trả lời ông Tajani là sẽ xem xét đề nghị này.

Tuy nhiên, đây sẽ là một thách thức lớn nữa về đối nội với bà May. Việc ở lại trong EU đến cuối năm 2021 đồng nghĩa với việc trong 3 năm nữa, Anh sẽ vẫn phải tuân thủ các nghĩa vụ tài chính với EU mà lại không được phép có tiếng nói nào. Cần nhắc lại rằng, để được EU chấp nhận thời hạn quá độ 21 tháng trước đây, chính phủ Anh đã phải đồng ý thực hiện nghĩa vụ tài chính như thường lệ với EU nhưng lại bị tước quyền bỏ phiếu tại Hội đồng châu Âu. Ngay tại hội nghị Thượng đỉnh EU lần này, trong tối 17/10, bà May cũng chỉ phát biểu 15 phút trước 27 nguyên thủ châu Âu rồi không tham dự phiên ăn tối và thảo luận cùng các nguyên thủ này.

Vì thế, ý tưởng kéo dài thời hạn quá độ có thể bị phe ủng hộ Brexit cứng tại Anh phản đối quyết liệt. Nhìn chung thì vào thời điểm này, phía châu Âu cho rằng thách thức lớn nhất cho việc đạt được thoả thuận Brexit không hẳn là vấn đề cụ thể về biên giới Bắc Ireland mà là các thách thức chính trị nội bộ mà bà May phải đối mặt tại nước Anh bởi bà May đang chịu sức ép rất lớn từ mọi phía: nội bộ đảng Bảo thủ, từ Nghị viện Anh, từ cả các đảng đối lập và cả từ dân chúng Anh.

Tuy nhiên, dựa trên các tuyên bố từ cả hai phía về việc đã hoàn tất đến 90% nội dung đàm phán, cũng như quyết tâm rất lớn của cả hai phía, cùng hậu quả nghiêm trọng của việc không có thoả thuận gây ra, khả năng EU và Anh đạt được thoả thuận Brexit vẫn lớn hơn khả năng không có thoả thuận. Và điều chắc chắn là thời hạn cuối cùng để đạt được thoả thuận này là cuối năm 2018./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thủ tướng Anh sẵn sàng cho thoả thuận Brexit, lãnh đạo châu Âu do dự
Thủ tướng Anh sẵn sàng cho thoả thuận Brexit, lãnh đạo châu Âu do dự

VOV.VN - Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố, nước Anh đã sẵn sàng cho một thoả thuận Brexit, dù tuyên bố này được các lãnh đạo châu Âu do dự đón nhận.

Thủ tướng Anh sẵn sàng cho thoả thuận Brexit, lãnh đạo châu Âu do dự

Thủ tướng Anh sẵn sàng cho thoả thuận Brexit, lãnh đạo châu Âu do dự

VOV.VN - Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố, nước Anh đã sẵn sàng cho một thoả thuận Brexit, dù tuyên bố này được các lãnh đạo châu Âu do dự đón nhận.

Thượng đỉnh châu Âu: Thỏa thuận Brexit liệu có thể đạt được?
Thượng đỉnh châu Âu: Thỏa thuận Brexit liệu có thể đạt được?

VOV.VN - Liên minh châu Âu (EU) và Anh có thể sẽ đạt được một thỏa thuận để Anh rời khỏi EU (Brexit), tại hội nghị thượng đỉnh khai mạc hôm nay (17/10).

Thượng đỉnh châu Âu: Thỏa thuận Brexit liệu có thể đạt được?

Thượng đỉnh châu Âu: Thỏa thuận Brexit liệu có thể đạt được?

VOV.VN - Liên minh châu Âu (EU) và Anh có thể sẽ đạt được một thỏa thuận để Anh rời khỏi EU (Brexit), tại hội nghị thượng đỉnh khai mạc hôm nay (17/10).

Đàm phán Brexit vẫn bế tắc: Kịch bản nào cho tương lai Anh và EU?
Đàm phán Brexit vẫn bế tắc: Kịch bản nào cho tương lai Anh và EU?

VOV.VN - Sau hơn 1 năm rưỡi đàm phán thì EU và Anh đang đi đến những bước cuối cùng để có thể đạt được một thoả thuận về Brexit.

Đàm phán Brexit vẫn bế tắc: Kịch bản nào cho tương lai Anh và EU?

Đàm phán Brexit vẫn bế tắc: Kịch bản nào cho tương lai Anh và EU?

VOV.VN - Sau hơn 1 năm rưỡi đàm phán thì EU và Anh đang đi đến những bước cuối cùng để có thể đạt được một thoả thuận về Brexit.

Thượng đỉnh EU: Không mấy hy vọng về đột phá thỏa thuận Brexit
Thượng đỉnh EU: Không mấy hy vọng về đột phá thỏa thuận Brexit

VOV.VN - Ngày 17/10, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu 2 ngày họp tại Brussels, Bỉ với tâm điểm là vấn đề Anh rời EU (Brexit).  

Thượng đỉnh EU: Không mấy hy vọng về đột phá thỏa thuận Brexit

Thượng đỉnh EU: Không mấy hy vọng về đột phá thỏa thuận Brexit

VOV.VN - Ngày 17/10, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu 2 ngày họp tại Brussels, Bỉ với tâm điểm là vấn đề Anh rời EU (Brexit).  

Anh và EU vẫn bế tắc về Brexit trước cuộc họp Thượng đỉnh EU
Anh và EU vẫn bế tắc về Brexit trước cuộc họp Thượng đỉnh EU

VOV.VN - Hiện cản trở lớn nhất ngăn cản Anh và EU đạt được thỏa thuận về Brexit đó là vấn đề biên giới Ireland.

Anh và EU vẫn bế tắc về Brexit trước cuộc họp Thượng đỉnh EU

Anh và EU vẫn bế tắc về Brexit trước cuộc họp Thượng đỉnh EU

VOV.VN - Hiện cản trở lớn nhất ngăn cản Anh và EU đạt được thỏa thuận về Brexit đó là vấn đề biên giới Ireland.