Hội nghị Thượng đỉnh EU-Trung Quốc bàn về căng thẳng thương mại
VOV.VN - Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc diễn ra ngày 16/7 tại Bắc Kinh, tập trung chủ yếu vào những căng thẳng thương mại hiện nay.
Ngày 16/7, hội nghị thượng đỉnh thường niên giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh, với sự tham dự của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Thủ tướng nước chủ nhà Trung Quốc Lý Khắc Cường. Nội dung chương trình nghị sự của hội nghị năm nay tập trung chủ yếu vào những căng thẳng thương mại hiện nay giữa các nước trên thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc diễn ra ngày 16/7 tại Bắc Kinh, tập trung chủ yếu vào những căng thẳng thương mại hiện nay. Ảnh: Trend Az
Phát biểu trước báo giới sau hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định, trật tự thương mại thế giới đã được xây dựng trong nhiều thập kỷ qua, đôi khi phải trả giá bằng cả xung đột, nhằm mang lại hòa bình cho châu Âu, cho sự phát triển của Trung Quốc và chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh giữa phương Đông và phương Tây.
Vì thế, ngày 16/7, Liên minh châu Âu kêu gọi Mỹ, Trung Quốc và Nga cùng phối hợp để tránh một “cuộc xung đột và hỗn loạn” thương mại, nhằm ngăn chặn nguy cơ căng thẳng thương mại biến thành một cuộc đối đầu khốc liệt. Ông Donald Tusk hối thúc các cường quốc này nên cùng nhau cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thay vì phá bỏ các quy tắc của tổ chức này.
Ông Tusk nói: “Đó là một nhiệm vụ chung của châu Âu, Trung Quốc, Mỹ và Nga. Chúng ta không nên phá hủy trật tự thương mại đã có, song phải cải thiện nó. Không phải là để bắt đầu cuộc chiến tranh thương mại như từng xảy ra trong lịch sử của chúng ta mà để cải cách mạnh mẽ và có trách nhiệm trật tự này dựa trên các quy tắc. Đây là lý do tại sao hôm nay tôi kêu gọi nước chủ nhà của hội nghị này - Trung Quốc cũng như Tổng thống Mỹ Donald Trunp và Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng nhau bắt đầu quá trình này, thông qua việc cải tổ WTO. Vẫn còn thời gian để ngăn chặn xung đột và sự hỗn loạn”.
Tại hội nghị, thảo luận với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Chủ tịch Hội đồng châu Âu cho rằng, WTO cần những quy tắc mới liên quan đến việc trợ cấp công nghiệp, sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, giảm chi phí thương mại và giải quyết các tranh chấp thương mại một cách hiệu quả hơn. EU và Trung Quốc đều nhất trí trao đổi về các đề nghị tiếp cận thị trường lẫn nhau để thúc đẩy một thỏa thuận đầu tư song phương mà hai bên đang đàm phán, đồng thời kêu gọi việc đưa thỏa thuận này trở thành ưu tiên hàng đầu trong quan hệ hai bên.
Trung Quốc – EU bắt tay trước “đòn” thương mại của ông Trump?
Về phần mình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết nước này muốn hướng đến thương mại cân bằng hơn với EU. Theo ông, Trung Quốc cần thúc đẩy các cuộc đàm phán hiệp định đầu tư với EU và cả hai bên cần chia sẻ mục tiêu sớm hoàn tất các thỏa thuận. “Trung Quốc và EU sẵn sàng nói về cải cách và cải thiện WTO trên cơ sở duy trì những nguyên tắc cơ bản đã có và tiếp tục xây dựng các quy tắc mới phù hợp hơn nhằm đẩy mạnh tự do thương mại. Hơn nữa, chúng ta có thể thiết lập một cơ chế đối thoại”.
Hội nghị Thượng đỉnh thường niên Trung Quốc - EU diễn ra vài giờ trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin có cuộc gặp Thượng đỉnh ở Helsinki, Phần Lan vào chiều nay (theo giờ địa phương). Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi Liên minh châu Âu (EU) là “kẻ thù” liên quan lĩnh vực thương mại. Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình CBS hôm qua, Tổng thống Donald Trump đã liệt cả EU, Trung Quốc và Nga vào diện “kẻ thù kinh tế của Mỹ”.
Trong một phản ứng trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh, Mỹ và EU là những người bạn thân thiết nhất và bất kỳ ai nói Mỹ - châu Âu là kẻ thù, đều là nhằm “gieo rắc thông tin giả”. Hiện Mỹ và Trung Quốc cũng đang ngày càng lún sâu vào một cuộc tranh chấp thương mại sau khi Mỹ áp đặt mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD. Tổng thống Mỹ Donald Trump còn cảnh báo sẽ áp thuế đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá hơn 500 tỷ USD, tương đương tổng lượng hàng mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc hồi năm ngoái. Bắc Kinh cũng đã tuyên bố đáp trả từng bước./.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tác động gì tới doanh nghiệp Việt?