Hội nghị thượng đỉnh khí hậu: Khơi dậy chủ nghĩa đa phương vì một Hành tinh Xanh

VOV.VN - Mục tiêu tham vọng cắt giảm hơn một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào cuối thập kỷ này hay cam kết hiếm hoi của Mỹ và Trung Quốc hành động khẩn cấp vì khí hậu là những điểm nhấn của Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu đang diễn ra dưới sự chủ trì của Mỹ.

Không để thế giới phải chờ đợi lâu, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 22/4 đã công bố mục tiêu cắt giảm ít nhất 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào cuối thập kỷ này, tăng gần gấp đôi so với thời chính quyền Tổng thống Barack Obama. Cam kết đồng thời đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của nước Mỹ sau 4 năm hầu như vắng bóng tại tất cả các diễn đàn quốc tế về khí hậu.

“Mỹ đã đặt ra mục tiêu cắt giảm một nửa lượng phát thải khí nhà kính vào cuối thập kỷ này. Đó là những gì chúng ta hướng tới và có thể làm để xây dựng một nền kinh tế không chỉ thịnh vượng hơn, mà còn lành mạnh hơn, công bằng hơn và sạch hơn cho toàn bộ hành tinh”, Tổng thống Biden nói.

“Cả thế giới đang phải đối mặt với khoảnh khắc nguy hiểm nhưng cũng là khoảng khắc của cơ hội”. Tuyên bố của Tổng thống Biden, cùng sự xuất hiện lần lượt của 40 nhà lãnh đạo trên thế giới là minh chứng rõ nhất cho sức mạnh của chủ nghĩa đa phương và xu hướng hợp tác toàn cầu vì một Hành tinh Xanh.

Dù vẫn còn những khác biệt nhưng các nhà lãnh đạo thế giới đã cùng nhau cất tiếng nói về một vấn đề duy nhất là biến đổi khí hậu, thách thức lớn nhất mà hành tinh đang phải đối mặt.

Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh vai trò của hợp tác quốc tế, thì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ làm việc với Mỹ trong tìm kiếm giải pháp hiệu quả chống biến đổi khí hậu.

“Tôi tin tưởng rằng chỉ cần chúng ta đoàn kết vì một mục tiêu chung, nỗ lực và cùng nhau làm việc với tinh thần đoàn kết và tương trợ, chúng ta sẽ vượt lên trên những thách thức về khí hậu và môi trường toàn cầu và mang lại một thế giới sạch đẹp cho các thế hệ tương lai”, ông Tập Cận bình nhấn mạnh.

Dù cả Nga và Trung Quốc đều không ngay lập tức đưa ra các mục tiêu, song các nhà hoạt động khí hậu hi vọng Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu do Mỹ chủ trì sẽ tạo đà cho những hành động mạnh mẽ vì khí hậu, mở đường cho Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) về biến đổi khí hậu vào cuối năm  nay tại Anh. Sự kiện diễn ra vào thời điểm các nhà khoa học đang hối thúc các chính phủ phải có hành động dứt khoát để khống chế nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp.

Là một quốc đảo nhỏ nằm ở phía Đông biển Caribe và cũng là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Thủ tướng Antigua & Barbuda, ông Gaston Alfonso Browne kêu gọi những nền kinh tế gây ô nhiễm nhất biến lời nói thành hành động, nhanh chóng xóa nợ và tăng cường hỗ trợ quốc tế để giúp những nước nghèo phục hồi sau thảm họa.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thì cho rằng, những nước phát triển có trách nhiệm lịch sử giúp thế giới đang phát triển đạt được các mục tiêu về khí hậu: “Điều quan trọng là viện trợ về biến đổi khí hậu không nên là một phần của hỗ trợ phát triển thông thường. Khi được cung cấp dưới hình thức tài trợ vốn vay, gánh nặng nợ của các nước đang phát triển sẽ trở nên tồi tệ hơn. Chúng tôi kêu gọi các nền kinh tế phát triển thực hiện trách nhiệm lịch sử của mình để giúp các nền kinh tế đang phát triển đạt được những mục tiêu về khí hậu.”

Các cuộc đàm phán về khí hậu diễn ra dưới sự chủ trì của Mỹ có cùng những thách thức như cách đây 5 năm tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về khí hậu ở thủ đô Paris (Pháp). Đó là “sức khỏe” của hành tinh, an ninh và sự thịnh vượng của nhân loại. Song mức độ khẩn cấp lại lớn hơn.

Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, chúng ta còn rất ít thời gian để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh. Bởi thế, dù vẫn còn những hoài nghi, song cam kết mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo thế giới đã mang lại hi vọng cho cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mỹ tăng gấp đôi hỗ trợ tài chính về khí hậu cho các nước đang phát triển vào năm 2024
Mỹ tăng gấp đôi hỗ trợ tài chính về khí hậu cho các nước đang phát triển vào năm 2024

VOV.VN - Mỹ ngày 22/4 cho biết nước này dự định sẽ tăng gấp đôi hỗ trợ tài chính về khí hậu cho các nước đang phát triển so với thời kỳ Tổng thống Obama vào năm 2024.

Mỹ tăng gấp đôi hỗ trợ tài chính về khí hậu cho các nước đang phát triển vào năm 2024

Mỹ tăng gấp đôi hỗ trợ tài chính về khí hậu cho các nước đang phát triển vào năm 2024

VOV.VN - Mỹ ngày 22/4 cho biết nước này dự định sẽ tăng gấp đôi hỗ trợ tài chính về khí hậu cho các nước đang phát triển so với thời kỳ Tổng thống Obama vào năm 2024.

Tổng thống Nga V.Putin kêu gọi các nước LHQ cùng nhau chống biến đổi khí hậu
Tổng thống Nga V.Putin kêu gọi các nước LHQ cùng nhau chống biến đổi khí hậu

VOV.VN - Tổng thống Nga chỉ rõ rằng, các thỏa thuận chung của Liên Hợp Quốc là cơ sở pháp lý đáng tin cậy "cho công việc chung của các quốc gia nhằm kiểm soát và giảm phát thải khí nhà kính."

Tổng thống Nga V.Putin kêu gọi các nước LHQ cùng nhau chống biến đổi khí hậu

Tổng thống Nga V.Putin kêu gọi các nước LHQ cùng nhau chống biến đổi khí hậu

VOV.VN - Tổng thống Nga chỉ rõ rằng, các thỏa thuận chung của Liên Hợp Quốc là cơ sở pháp lý đáng tin cậy "cho công việc chung của các quốc gia nhằm kiểm soát và giảm phát thải khí nhà kính."

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu đánh dấu “nước Mỹ trở lại”
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu đánh dấu “nước Mỹ trở lại”

VOV.VN - Sự kiện đặc biệt này không chỉ đánh dấu sự trở lại của Mỹ trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, mà còn là cơ hội để Mỹ lấy lại vai trò lãnh đạo trong các vấn đề toàn cầu.

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu đánh dấu “nước Mỹ trở lại”

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu đánh dấu “nước Mỹ trở lại”

VOV.VN - Sự kiện đặc biệt này không chỉ đánh dấu sự trở lại của Mỹ trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, mà còn là cơ hội để Mỹ lấy lại vai trò lãnh đạo trong các vấn đề toàn cầu.