Hội nghị về Iran do Mỹ tổ chức thiếu vắng những “ông lớn” từ Nga và EU
VOV.VN - Sự thiếu vắng những “ông lớn” từ Nga và EU, có thể phủ bóng lên kết quả Hội nghị được Mỹ kì vọng sẽ chấm dứt ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) hôm qua (21/1) cho biết sẽ không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh khu vực do Mỹ tổ chức về Iran tại Ba Lan vào tháng 2/2019, trong bối cảnh EU đang tìm kiếm một thỏa thuận về một cơ chế mới giúp thúc đẩy hợp tác kinh tế với Iran bất chấp biện pháp trừng phạt của Mỹ. Với sự thiếu vắng những “ông lớn” từ Nga và EU, có thể phủ bóng lên kết quả Hội nghị được Mỹ kì vọng sẽ chấm dứt ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: AFP. |
Trong chuyến thăm Trung Đông đầu tháng 1/2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo, Mỹ sẽ đồng tổ chức hội nghị toàn cầu từ ngày 13 đến 14/2 tới, tập trung về Iran và vai trò của Iran ở khu vực Trung Đông. Dự kiến có đại diện hàng chục quốc gia tham gia Hội nghị này.
Phát biểu về chương trình nghị sự, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết: “Đại diện từ châu Á đến châu Phi, các nước tây Bán cầu hay Trung Đông, tất cả sẽ tham dự, cùng nhau tập trung vào sự ổn định, hòa bình, dân chủ và tự do tại Trung Đông. Trong đó, phần quan trọng là đảm bảo Iran sẽ không trở thành nhân tố gây bất ổn hoặc ảnh hưởng cho khu vực”.
Nga, quốc gia có tầm ảnh hưởng hàng đầu ở Trung Đông hôm qua (21/1) thông báo không tham gia hội nghị toàn cầu về Trung Đông do Mỹ tổ chức tại Ba Lan. Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz đã xác nhận điều này và coi đây là một quyết định “đáng tiếc”. Trong khi đó, đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cũng cho biết không thể tham gia hội nghị quốc tế với lí do bận công tác.
Một số Bộ trưởng từ các nước Liên minh châu tuyên bố sẽ không tham dự Hội nghị. Theo các nguồn tin ngoại giao, Pháp có thể không cử cấp Ngoại trưởng tham dự, trong khi Ngoại trưởng Luxemburg cho biết sẽ bỏ lỡ sự kiện này do đã có lịch sắp xếp trước. Anh và Đức vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức. Với sự do dự của các nước EU, đặc biệt là sự vắng mặt của Đại diện cấp cao EU và Nga - quốc gia có vai trò không thể thiếu trong việc giải quyết mọi vấn đề hiện hữu ở Trung Đông phủ bóng lên triển vọng kết quả tại Hội nghị.
Có thể nói Châu Âu đang ở thế khó trong bối cảnh Mỹ gia tăng sức ép phải cứng rắn hơn với Iran, nhưng vẫn phải đảm bảo Thỏa thuận hạt nhân đã kí năm 2015 tiếp tục có hiệu lực. Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu hôm qua có cuộc gặp tại Brussels, Bỉ để thúc đẩy Cơ chế SPV, tăng cường hợp tác kinh tế với Iran bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Mặc dù vậy, giới quan sát cũng cảnh báo, châu Âu dường như đang có cách tiếp cận mới gần hơn với chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cô lập Iran với các biện pháp trừng phạt.
Các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Iran đầu tháng 1/2019 đánh dấu sự chuyển đổi lập trường lớn trong chính sách ngoại giao của khối kể từ cuối năm 2018. Giới chức Đức cũng cho biết đang lên kế hoạch cấm hãng hàng không Mahan Air của Iran hoạt động tại các sân bay ở nước này.
Người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Seibert nói: “Chúng tôi đang tiếp tục tiếp xúc với các đối tác châu Âu và Mỹ về vấn đề này. Thực tế không thể bác bỏ rằng Hãng hàng không Iran có thể đang vận chuyển những thứ gây tác động an ninh đến quốc gia. Điều này được xem xét đặc biệt trong bối cảnh hoạt động khủng bố và thông tin tình báo về các hoạt động khủng bố của Iran ở châu Âu”.
Động thái này ngay lập tức nhanh chóng nhận được sự hoan nghênh từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Với sự “loay hoay” của EU trong việc thiết lập cơ chế đảm bảo hợp tác kinh tế với Iran, sự thất vọng của Iran với EU ngày càng gia tăng đang đẩy thỏa thuận hạt nhân 2015 đứng trước nguy cơ đổ vỡ./.
Ngoại trưởng Iran lên án hội nghị chống Iran do Mỹ, Ba Lan tổ chức
Mỹ không cấp thêm bất kỳ miễn trừ khỏi lệnh cấm nhập khẩu dầu Iran