Hội nghị về Triều Tiên tại Canada đề nghị siết chặt trừng phạt Bình Nhưỡng
VOV.VN -Các nước tham dự hội nghị khẳng định cần duy trì sức ép trừng phạt lên Bình Nhưỡng, để nước này từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Hội nghị Ngoại trưởng về an ninh và ổn định trên bán đảo Triều Tiên diễn ra ngày 16/1 tại thành phố Vancouver, Canada do Mỹ và Canada chủ trì với sự tham gia của đại diện đến từ 20 nước. Hàn Quốc, Nhật Bản đều cử Ngoại trưởng đến tham gia hội nghị nhưng không có đại diện của Nga và Trung Quốc, hai nước có vai trò quan trọng trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhấn mạnh Mỹ hoan nghênh các động thái tích cực giữa hai miền Triều Tiên thời gian qua. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có bất cứ tiến triển nào trong giải quyết bất ổn trên báo đảo Triều Tiên, trừ phi Bình Nhưỡng cam kết thay đổi. Ông Tillerson cũng cho rằng chưa phải thời điểm để nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: AP
Theo giới chức Mỹ và Canada, các nước tham gia Hội nghị sẽ cùng thảo luận nhiều nội dung như đánh giá tình hình hiện nay ví dụ như các biện pháp trừng phạt, tiến trình phi hạt nhân hóa cũng như các bước đi tiếp theo nhằm buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh đang có một số bước tiến tích cực trong quan hệ hai miền Triều Tiên khi hai bên lần đầu tiên nối lại đàm phán cấp cao sau 2 năm đình trệ, mở lại một số đường dây nóng. Đặc biệt, Triều Tiên có kế hoạch cử đoàn vận động viên tới Hàn Quốc tham dự Thế vận hội Olympic mùa Đông 2018.
Tuy nhiên, Hội nghị lần này có thể không đạt được các kết quả tích cực cụ thể khi Nga và Trung Quốc không tham dự cũng như liên tục chỉ trích. Trung Quốc cho rằng hội nghị không bao gồm đầy đủ các bên quan trọng tham gia tìm kiếm giải pháp hòa bình cho bán đảo Triều Tiên sẽ chỉ mang lại sự chia rẽ trong cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, Nga khẳng định hội nghị này là không thể chấp nhận được và phản tác dụng đối với tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên./.