Hội nghị vũ khí hóa học Syria muốn thay đổi quyền phủ quyết của Nga
VOV.VN -Pháp mong muốn đóng một vai trò trong tiến trình hòa bình Syria và Nga không thể một mình giải quyết cuộc khủng hoảng.
Ngày 23/1, đại diện khoảng 30 nước nhóm họp tại thủ đô Paris, Pháp, nhằm thúc đẩy sáng kiến nối lại các cuộc điều tra quốc tế về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria, cũng như tìm cách chống lại quyền phủ quyết của Nga tại Liên Hợp Quốc liên quan vấn đề này.
Các chuyên gia vũ khí hóa học LHQ kiểm tra khu vực Ain Tarma, gần thủ đô Damascus, nơi tình nghi xảy ra tấn công bằng vũ khí hóa học. Ảnh: Reuters |
Sự kiện được dự đoán sẽ tạo ra một bước ngoặt ngoại giao mới trong cuộc khủng hoảng trước khi các vòng đàm phán tiếp theo về hòa đàm Syria được nối lại vào giữa tuần tới tại thành phố Vienna, Áo và sau đó là Sochi, Nga.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh, Mỹ và các đồng minh phương Tây hôm qua (22/1) một lần nữa cáo buộc chính quyền Tổng thống Syria al Assad phải chịu trách nhiệm về một vụ tấn công hóa học xảy ra mới đây nhằm vào lực lượng đối lập ở Đông Ghouta, phía Đông thủ đô Damascus.
Và cũng giống như những lần trước đó, chính phủ Mỹ đã chỉ trích “sự thiếu ảnh hưởng” của Nga đối với đồng minh Syria.
Cuộc gặp được tổ chức tại thủ đô Paris, Pháp này dù sẽ không đưa ra bất kỳ quyết định cụ thể nào, song được xem là nhằm tạo ra một mặt trận chung. Đại diện 29 nước sẽ cam kết chia sẻ thông tin và thiết lập danh sách những người liên quan trong việc sử dụng vũ khí hóa học không chỉ tại Syria, mà cả những nơi khác. Những người này có thể sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt như đóng băng tài khoản, cấm cấp thị thực hoặc bị đưa ra xét xử trước các tòa án cấp quốc gia.
Do Pháp khởi xướng, sáng kiến này đưa ra sau khi Nga 2 lần phủ quyết việc gia hạn sứ mệnh của các chuyên gia quốc tế về sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Đề cập về vấn đề này, Chính phủ Pháp cho rằng, tình hình đang bị lâm vào bế tắc ở cấp độ quốc tế và cần phải làm cho thủ phạm của những vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria hiểu rằng chúng có thể sẽ bị đưa ra xét xử và rằng quốc tế sẽ không bỏ mặc vấn đề này.
Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Francois Delattre nói: “Cuộc gặp sẽ tập hợp những nước cùng chia sẻ các mối quan ngại nhằm thúc đẩy một sự hợp tác hiệu quả chống lại việc sử dụng vũ khí hóa học. Một quan hệ đối tác liên chính phủ mới sẽ được thiết lập nhân dịp này. Mục đích là nhằm hỗ trợ và bảo vệ các cơ chế hiện có trong nỗ lực điều tra và hỗ trợ các tổ chức quốc tế, chủ yếu là Tổ chức Cấm vũ khí hóa học được trao sứ mệnh giải quyết vấn đề này.”
Tranh cãi về vũ khí hóa học - Rào cản lớn cho hòa đàm Syria
Để cụ thể hóa tuyên bố của mình, dự kiến trong vài ngày tới, Chính phủ Pháp dự kiến sẽ thông qua lệnh đóng băng tài khoản nhằm vào 25 thực thể và quan chức không chỉ của Syria, mà cả của Pháp, Lebanon bị tình nghi tài trợ cho chương trình vũ khí hóa học của Syria.
Theo đánh giá của Pháp, trong giai đoạn từ năm 2012-2017, đã có ít nhất 130 vụ tấn công hóa học xảy ra tại Syria. Các nhà điều tra của Liên hợp quốc và Tổ chức cấm vũ khí hóa học đã kết luận chính quyền Syria “là thủ phạm” của 4 trong số những vụ tấn công này, trong đó có một vụ bằng khí đốc sarin làm ít nhất 80 người thiệt mạng ngày 4/4 năm ngoái ở Khan Cheikhoun.
Tuy nhiên, Nga đã phủ quyết kết quả này cho rằng, cuộc điều tra không được tiến hành một cách công bằng. Bởi không chỉ chính phủ và phe đối lập tại Syria, mà cả nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng bị nghi ngờ sử dụng khí mù tạt ở Syria và Iraq.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng: “Chúng tôi thực sự lo ngại về mối đe dọa ngày càng tăng của khủng bố hóa học tại Trung Đông, đặc biệt là trên lãnh thổ Iraq và Syria. Trong gần 3 năm qua, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết hoặc ít nhất là một tuyên bố chủ tịch nhằm lên án các trường hợp khủng bố hóa học cụ thể tại Syria và Iraq”
Ông Lavrov cũng nói thêm: “Tuy nhiên, một số đồng nghiệp phương Tây dường như cố tình nhắm mắt làm ngơ trước các vụ sử dụng và thậm chí là tiến hành các vụ khủng bố hóa học và đưa ra những cáo buộc vô căn cứ nhằm vào chính quyền Syria.”
Ai Cập nhận lời tham dự Đại hội Đối thoại Dân tộc về Syria
Cùng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, Nga cũng là một nước đóng vai trò bảo trợ cho tiến trình hòa bình tại Syria và nước này hi vọng tại vòng đàm phán tiếp theo dự kiến vào ngày 30/01 tới tại Sochi sẽ giúp cụ thể hóa các sáng kiến hòa bình, trong bối cảnh tiến trình hòa bình do Liên Hợp Quốc bảo trợ đang lâm vào bế tắc.
Về phần mình, Chính phủ Mỹ hôm 17/01 cũng thông báo, quân đội Mỹ sẽ tiếp tục ở lại Syria cho tới khi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoàn toàn bị đánh bại, cũng như là nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran và buộc Tổng thống al Assad phải từ bỏ quyền lực.
Là nước đóng góp lớn thứ 2 cho liên quân quốc tế chống IS do Mỹ đứng đầu, Pháp cũng mong muốn đóng một vai trò trong tiến trình hòa bình. Theo Chính phủ Pháp, Nga không thể một mình giải quyết cuộc khủng hoảng. Một ngày nào đó, Syria cần phải được tái thiết và những phương tiện mà nước này mang lại là không đủ, ngầm ám chỉ vai trò của các nước phương Tây./.
Tranh cãi về vũ khí hóa học - Rào cản lớn cho hòa đàm Syria