Hợp đồng đưa người lên vũ trụ giữa Nga và Mỹ sắp hết thời hạn
VOV.VN - Hợp đồng giữa Nga và NASA nhằm đưa các phi hành gia Mỹ lên trạm vũ trụ quốc tế (ISS) sẽ hết hạn vào tháng 4/2019.
Phó Thủ tướng Nga Yury Borisov ngày 31/8 cho biết, hợp đồng giữa Nga và NASA nhằm đưa các phi hành gia Mỹ lên trạm vũ trụ quốc tế (ISS) sẽ hết hạn vào tháng 4/2019 mà chưa có kế hoạch gia hạn thêm. Cũng theo ông Borisov - người phụ trách vấn đề quân sự và không gian của chính phủ Nga, tháng 4/2019 sẽ là lần cuối cùng Nga thực hiện nhiệm vụ đưa phi hành gia Mỹ lên Trạm vũ trụ quốc tế theo hợp đồng với NASA.
Theo hợp đồng hiện tại, các phi hành gia Mỹ sẽ được tàu vũ trụ Soyuz của Nga đưa tới trạm vũ trụ quốc tế và trở về nhà. Mỹ mất khả năng đưa con người lên không gian vũ trụ sau khi kết thúc chương trình “Tàu con thoi” (Space Shuttle) và chưa hoàn thành kế hoạch thay thế bằng tàu Dragon của hãng SpaceX.
Tháng 4/2019 sẽ là lần cuối cùng Nga thực hiện nhiệm vụ đưa phi hành gia Mỹ lên Trạm vũ trụ quốc tế (Ảnh minh họa: KT) |
Chi phí cho việc đưa phi hành gia Mỹ lên trạm vũ trụ quốc tế đã tăng từ mức 81 triệu USD một chỗ ngồi trên tàu vũ trụ Soyuz vào năm 2018 so với mức 21,8 triệu USD của năm 2007 và 2008. Tuy nhiên, Nga có thể tiếp tục chở các phi hành gia Mỹ lên trạm vũ trụ quốc tế nếu hai bên ký thỏa thuận mới. Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thỏa thuận nào được ký kết giữa hai bên.
Sự chấm dứt chương trình Tàu con thoi vào năm 2011 chỉ là sự bất tiện nhỏ khi quan hệ giữa Nga và Mỹ trong tình trạng tốt. Tuy nhiên, khi mối quan hệ giữa 2 nước leo thang căng thẳng như hiện nay, việc Mỹ phải phụ thuộc vào Nga trong lĩnh vực thám hiểm không gian trở thành rắc rối cho phía Mỹ. Cố Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain là người chỉ trích nhiều nhất về việc Mỹ phụ thuộc vào Nga trong chương trình thám hiểm không gian. Để trấn an lại những chỉ trích, vào tuần trước, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã khẳng định rằng, Mỹ sẽ sớm tự đưa được con người lên không gian mà không cần sự giúp đỡ của Nga và trở lại mặt trăng vào năm 2024./.
Nga sẽ khiến hàng không vũ trụ Mỹ điêu đứng khi đáp trả trừng phạt
NASA phóng tàu vũ trụ đầu tiên thăm dò Mặt Trời