Huawei mắc kẹt trong cuộc chiến địa chính trị Mỹ-Trung
VOV.VN - Theo đánh giá của các chuyên gia, dường như Huawei đang mắc kẹt trong cuộc chiến địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.
Dưới sức ép của Mỹ, Chính phủ Anh hôm qua (14/7) thông báo sẽ cấm Huawei tham gia xây dựng mạng 5G, đồng thời yêu cầu nhà mạng loại bỏ thiết bị của Huawei trước năm 2027. Các bên liên quan ngay lập tức có phản ứng về quyết định được xem là đầy bất ngờ này của chính phủ Anh.
Phản ứng sau quyết định mới nhất của Anh, tập đoàn Huawei đã kêu gọi Chính phủ Anh xem xét lại lệnh cấm. Người phát ngôn Huawei tại Anh Ed Brewster đã bày tỏ thất vọng, cho rằng động thái này là do sức ép từ Mỹ chứ không phải từ quan ngại về an ninh.
Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh trong một dòng trạng thái đăng tải trên trang Twitter cá nhân đã bày tỏ thất vọng và cho rằng đây là một quyết định sai lầm. Theo ông Lưu Hiểu Minh, quyết định của Anh khiến dư luận đặt câu hỏi liệu Anh có thể mang lại một môi trường kinh doanh cởi mở công bằng và không phân biệt đối xử với các công ty của nước ngoài hay không.
Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cũng đã nhấn mạnh ý này: “Chẳng lẽ không thể mang lại một môi trường kinh doanh công bằng, cởi mở và tự do cho các công ty Trung Quốc hoạt động tại Anh hay sao. Đây sẽ là phép thử về đường lối hoạt động của thị trường Anh hậu Brexit và nó cũng sẽ cho thấy đầu tư của Trung Quốc tại Anh an toàn đến đâu”.
Trái với phản ứng của Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của Anh. Theo ông Pompeo, Anh đã gia nhập nhóm các quốc gia sẵn sàng bảo vệ an ninh quốc gia bằng cách không sử dụng sản phẩm của bên cung cấp có nguy cơ cao và không đáng tin cậy.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, quyết định của Anh được xem là đòn giáng nặng nề vào Huawei, vốn đang tăng cường đầu tư vào thị trường với một trung tâm nghiên cứu, phát triển mới tại Cambridge. Là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, Huawei đang mắc kẹt trong cuộc chiến địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.
Luật sư và là chuyên gia nghiên cứu luật quốc tế người Anh Yair Cohen nói: “Có một mối quan hệ đặc biệt giữa Anh và Mỹ khiến Mỹ trở thành một bên có tầm ảnh hưởng đối với một số quyết định quan trọng ở Anh. Huawei dễ dàng bị tổn thương bởi những thay đổi về mặt chính trị do có những đồn đoán cho rằng, công ty này có mối quan hệ đặc biệt với Chính phủ Trung Quốc. Cho dù những đồn đoán này có đúng hay không thì một điều có thể dễ dàng nhận thấy là Huawei đang phải đối mặt với những bất ổn từ chính những quyết định chính trị này”.
Dù đã được dự báo trước song việc Chính phủ Anh quyết định “cấm cửa” hoàn toàn hoạt động của Huawei trong hệ thống mạng không dây 5G trên lãnh thổ nước này vẫn khiến dư luận Anh không khỏi bất ngờ. Theo phản ánh của nhiều nhà mạng Anh, việc vội vàng loại bỏ thiết bị Huawei khỏi mạng viễn thông có thể dẫn đến sự cố mạng đối với khách hàng, tổn hại hàng tỷ USD và trì hoãn việc triển khai mạng 5G tại Anh./.