Indonesia công bố kết luận điều tra cuối cùng về vụ tai nạn Lion Air
VOV.VN - Theo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia, vụ tai nạn là hệ quả của một chuỗi các sự kiện phức tạp có liên quan đến nhau.
Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia ngày 25/10 đã công bố báo cáo cuối cùng về vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không giá rẻ Lion Air năm 2018, khiến toàn bộ 189 người trên máy bay thiệt mạng.
Phát biểu tại cuộc họp báo, điều tra viên chuyên trách các vụ tai nạn hàng không Indonesia, ông Nurcahyo Utomo cho biết vụ tai nạn là hệ quả của một chuỗi các sự kiện phức tạp có liên quan đến nhau.
Một chiếc máy bay của Lion Air. Ảnh: Reuters |
Trong báo cáo, các điều tra viên kết luận rằng hãng Boeing đã hoạt động mà không có sự giám sát đầy đủ từ các nhà quản lý Mỹ. Ngoài ra, hãng chế tạo máy bay của Mỹ cũng không lường trước được những rủi ro trong các thiết kế cho phần mềm điều khiển ở buồng lái của máy bay 737 MAX, cụ thể là Hệ thống Tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS).
Ông Utomo cho biết: “Thiết kế Hệ thống Tăng cường tính năng điều khiển bay dễ gặp trục trặc ở góc tấn hoặc độ nghiêng của máy bay. Khi máy bay dốc lên trên quá nhiều, thiết bị sẽ tự điều chỉnh mũi máy bay để lấy lại tốc độ. Việc dựa vào duy nhất một thiết bị cảm ứng rất dễ khiến toàn bộ hệ thống bị ảnh hưởng”.
Báo cáo cũng cho rằng sự thiếu kỹ năng trong giao tiếp và điều khiển máy bay bằng tay của phi hành đoàn, trong bối cảnh xuất hiện những cảnh báo và sự mất tập trung trong buồng lái đã góp phần gây ra tai nạn.
Những dữ liệu ghi âm trong buồng lái cho thấy trong suốt chuyến bay, cơ phó thứ nhất đã quên nhiều nhiệm vụ mà lẽ ra anh ta phải ghi nhớ, trước đó viên phi công này cũng đã thể hiện kém trong các bài tập huấn luyện. Thêm vào đó, cơ trưởng cũng đã không tóm tắt chính xác các việc cần làm cho viên phi công này khi bàn giao quyền kiểm soát và kết quả là chiếc máy bay gặp sự cố chỉ ít phút sau đó.
Các máy bay 737 MAX, dòng máy bay đắt hàng nhất của Boeing, đã bị cấm bay trên toàn thế giới sau 2 vụ rơi máy bay liên quan đến mẫu máy bay này của Lion Air (Indonesia) hồi tháng 10/2018 và của hãng hàng không Ethiopian hồi tháng 3/2019 khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng.
Hiện Boeing đang nỗ lực để dòng máy bay 737 MAX được phép bay trở lại. Tháng trước, Boeing đã dàn xếp được vụ kiện đầu tiên liên quan đến vụ rơi máy bay của Lion Air. Theo các nguồn thạo tin, mỗi gia đình nạn nhân sẽ nhận được ít nhất 1,2 triệu USD./.