Indonesia đề nghị người dân thận trọng sau trận động đất có độ lớn 6,9
VOV.VN - Nhà chức trách Indonesia cho biết người dân có thể trở về nhà song cần tiếp tục thận trọng sau trận động đất có độ lớn 6,9 xảy ra ở ngoài khơi phía Tây Nam đảo Sumatra của Indonesia rạng sáng nay (25/4).
Động đất xảy ra cách thị trấn Teluk Dalam ở vùng Nam Nias, tỉnh Bắc Sumatra khoảng 170 km, với tâm chấn ở độ sâu 15 km dưới đáy biển. Ban đầu, Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) ban đầu thông báo động đất có độ lớn lên tới 7,3 nhưng sau đó điều chỉnh xuống mức 6,9.
Khu vực duyên hải Tanah Bala thuộc vùng Nam Nias ghi nhận những cơn sóng thần nhỏ sau động đất, buộc BMKG ban bố cảnh báo sóng thần. Các rung lắc động đất cảm nhận được ở nhiều thị trấn, quận huyện thuộc tỉnh Tây Sumatra và Bắc Sumatra.
Trong cảnh tờ mờ sáng và mưa, nhiều người dân ở thành phố duyên hải Padang trên đảo Sumatra và các làng ở quần đảo Mentawai gần với tâm chấn động đất nhất trở nên hoảng loạn, tháo chạy khỏi nhà khi còi báo động sóng thần vang lên. Sàn của một bệnh viện địa phương bị nứt vỡ, buộc phải sơ tán bệnh nhân. Một số khu vực trên quần đảo Mentawai bị mất điện.
Vài giờ sau, cảnh báo sóng thần mới được dỡ bỏ. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn ở lại các khu vực trên cao hoặc vùng núi do lo ngại dư chấn động đất. Cơ quan Giảm thiểu Thiên tai Quốc gia Indonesia và BMKG cho rằng người dân có thể trở về nhà, song vẫn cần hết sức thận trọng. Người dân được yêu cầu kiểm tra độ an toàn của nhà cửa, đảm bảo lối thoát hiểm trong trường hợp phải tiếp tục sơ tán vì động đất.
Đến nay chưa ghi nhận thương vong do trận động đất gây ra, song cơ quan chức năng Indonesia cảnh báo các dư chấn có thể tiếp diễn.
Nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương – nơi các mảng kiến tạo địa chất va chạm, Indonesia thường xuyên hứng chịu các trận động đất, sóng thần. Chỉ trong 02 ngày 23 và 24/4 vừa qua, Indonesia ghi nhận 04 trận động đất liên tiếp có độ lớn trên 5,0. Một số nhà khoa học Indonesia gần đây cho rằng Indonesia cần đề phòng các trận động đất mạnh xảy ra liên tiếp, trong đó đứt gãy chia thành nhiều đoạn và đứt gãy này liền kề với đứt gãy khác. Việc các đứt gãy tiếp tục hoạt động với chuyển động trượt ngang có thể gây ra những trận động đất thảm khốc và phức tạp./.