Indonesia điều chiến đấu cơ đến Biển Đông để chống “trộm”
VOV.VN - Indonesia sẽ điều các chiến đấu cơ F-16 đến quần đảo Natuna của nước này để “xua đuổi những tên cướp”.
Theo Bloomberg, thông tin trên được Bộ Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu đưa ra trong cuộc phỏng vấn ngày 31/3- 2 tuần sau khi Indonsia tố cáo tàu Hải cảnh của Trung Quốc đụng độ với tàu của Indonesia trong khu vực lãnh hải Indonesia ở Biển Đông.
Trước đó, quân đội Indonesia đã đưa lính thủy đánh bộ, các đơn vị đặc biệt của Không quân, một tiểu đoàn bộ binh, 3 tàu chiến, một hệ thống radar hiện đại cùng các máy bay không người lái đến đồn trú ở quần đảo Natuna.
Hai chiến đấu cơ F-16. Ảnh Không quân Mỹ |
Việc điều thêm 5 chiến đấu cơ F-16 cho thấy, Indonesia ngày càng lo ngại về những tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc với một vài nước láng giềng.
Dù không phải là một bên trong tranh chấp ở Biển Đông nhưng vụ đụng độ với tàu tuần duyên Trung Quốc khi tàu Indonesia định bắt giữ tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong lãnh hải nước này cho thấy, nhiều khả năng Indonesia cũng bị cuốn vào vòng xoáy tranh chấp.
Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryacudu nhấn mạnh: “Natuna là cánh cửa của Indonesia. Nếu cửa nhà không được canh phòng cẩn mật thì lũ trộm sẽ lẻn vào”, ông Ryacudu nói: “Những rắc rối gần đây là do cánh cửa này đã không được canh phòng. Dù vậy, vấn đề này còn liên quan đến việc phải tôn trọng chủ quyền của một nước khác”.
Ông Ryacudu cho biết, ông đang cân nhắc khả năng áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với người dân trên quần đảo Natuna để “nếu có chuyện gì xảy ra, họ cũng không sợ hãi mà biết phải làm gì”.
Trong khi đó, ông Aaron Connelly, một nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Quốc tế Lowy tại Sydney, cho rằng, việc điều F-16 đến quần đảo Natuna chỉ mang tính biểu tượng chứ khó có thể răn đe Trung Quốc.
“Trông thì có vẻ Indonesia muốn phô trương thanh thế nhưng đây là hành động vô nghĩa”, ông Connelly nói: “Indonesia có rất nhiều “quân bài” về ngoại giao để sử dụng chứ không phải là “quân bài” về quân sự. F-16 sẽ không khiến Trung Quốc e sợ. Đây không phải là loại vũ khí phù hợp để sử dụng vào mục đích tuần tra trên biển”.
Tuy nhiên, ông Ryacudu cho biết, Indonesia có tính đến việc này và sẽ sớm thông qua thỏa thuận mua từ 8-10 chiến đấu cơ hiện đại Su-35 của Nga vào đầu tháng 4.
Chính phủ Indonesia cũng đã tính đến việc mua các chiến đấu cơ F-16V của Mỹ, Eurofighter Typhoon của châu Âu và Gripen của Thụy Điển.
Theo ông Ryacudu nói thêm rằng, Indonesia sẽ tìm đến nhiều nước khác nhau để hoàn tất những thương vụ nói trên: “Chúng tôi sẽ mua của châu Âu, Mỹ và Nga. Chúng tôi không ưu tiên nước nào cả. Điều quan trọng là chúng tôi cần các máy bay này và khi cân nhắc xong chúng tôi sẽ mua. Chúng tôi đang thay thế các máy bay cũ chứ không phải mua thêm các máy bay mới”.
Vì sao Indonesia đánh chìm tàu cá Trung Quốc?
Trước đó, Trung Quốc từng ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông viện dẫn cái gọi là “đường 9 đoạn” dù không hề đưa ra được bằng chứng cụ thể.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng có thái độ hiếu chiến nhằm áp đặt chủ quyền phi lý này. Năm 2012, trên hộ chiếu của mình, Trung Quốc cho in “đường 9 đoạn” chèn lên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia tại khu vực quần đảo Natuna.
Không chỉ Indonesia, Malaysia cũng hết sức lo ngại về việc tàu cá và tàu Hải giám của Trung Quốc liên tục tiến vào lãnh hải của mình.
Malaysia ngày 31/3 cho biết đã triệu Đại sứ Trung Quốc ở nước này đến để bày tỏ quan ngại về việc các tàu cá cắm cờ Trung Quốc hoạt động phi pháp trong lãnh hải của nước này./.