Indonesia đưa ra 4 chiến lược để tăng tốc tiêm ngừa Covid-19
VOV.VN - Với quyết tâm đẩy lùi đại dịch Covid-19, Indonesia đã đưa ra 4 chiến lược để đạt được mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng ngừa Covid-19 lên 2,5 triệu liều mỗi ngày.
Phát biểu trước Hạ viện Indonesia hôm qua (23/9), ông Maxi Rein Rondonuwe, quyền Tổng Giám đốc Cơ quan Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh thuộc Bộ Y tế Indonesia cho biết, Bộ Y tế nước này đã thông qua 4 chiến lược tăng tốc tiêm chủng.
Chiến lược thứ nhất là khuyến khích sự tham gia của nhiều cơ quan chính phủ gồm Cảnh sát, Quân đội quốc gia (TNI), Hội chữ thập đỏ, Cơ quan Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Cơ quan Tình báo quốc gia (BIN). Chiến lược thứ hai là huy động nguồn lực tại các đơn vị quản lý kỹ thuật của Bộ Y tế như bệnh viện tuyến đầu, cơ sở nghiên cứu y học… tham gia dịch vụ tiêm chủng lưu động hoặc tiêm chủng tại chỗ cho công chúng.
Tiếp đó là chiến lược thiết lập các trung tâm tiêm chủng với sự hợp tác của nhiều đối tác như các thành viên Hạ viện, các ngân hàng, cơ sở giáo dục, tổ chức tôn giáo… Chiến lược cuối cùng có sự tham gia của các nhân viên phát triển vùng thuộc Bộ Y tế để giám sát, hỗ trợ thực hiện tiêm chủng tại hiện trường, cũng như đảm bảo vaccine được phân phối đúng với nhu cầu từng khu vực.
Tốc độ tiêm chủng ở Indonesia được cho là chưa đạt công suất tối đa và chưa đồng đều ở các khu vực. Kể từ 10/9, mỗi ngày có 1,6 triệu người Indonesia được tiêm liều thứ nhất. Theo ông Maxi, 4 chiến lược tăng tốc tiêm chủng sẽ được chú trọng hơn tại các tỉnh thành đông dân cư nhất như Tây Java, Đông Java, Trung Java… nhằm đạt mục tiêu 70% dân số Indonesia được tiêm liều thứ nhất vaccine ngừa Covid-19 vào tháng 11/2021. Tuy nhiên, còn nhiều trở ngại đối với mục tiêu này, nhất là tỷ lệ tiêm chủng của người cao tuổi còn thấp.
Hiện có hơn 46 triệu người Indonesia đã được tiêm đủ 2 liều vaccine ngừa Covid-19, đạt tỷ lệ hơn 22% trong mục tiêu tiêm chủng cho 208 triệu dân của chính phủ nhằm đạt miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022. Trong những ngày gần đây, số ca mắc mới Covid-19 tại Indonesia giảm mạnh, khoảng dưới 3.000 ca mỗi ngày. Chính phủ Indonesia xác định tiêm chủng vẫn là biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát trở lại, nhất là trước nguy cơ xâm nhập của các biến thể mới virus SARS-CoV-2./.