Indonesia - “Ổ dịch” Covid-19 của Đông Nam Á lao đao trong năm 2020
VOV.VN - Trải qua gần 1 năm đối phó với đại dịch toàn cầu, quốc gia có dân số đông thứ 4 thế giới và đông nhất khu vực Đông Nam Á đang phải hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là trong đời sống và lĩnh vực kinh tế.
Tính đến thời điểm hiện tại, sau 10 tháng vật lộn với đại dịch, Indonesia ghi nhận 727.122 ca mắc Covid-19, trong đó có 21.452 người đã tử vong. Vào những ngày cuối năm 2020, các ca mới ghi nhận trong ngày tăng cao. Mỗi ngày Indonesia có khoảng 7.000 - 8.000 ca Covid-19 mới.
Ngay từ khi phát hiện ra các ca mắc đầu tiên vào đầu tháng 3, Indonesia đã đưa ra chính sách cấm nhập cảnh đối với các hành khách đã đến vùng dịch của Iran, Italy và Hàn Quốc trong vòng 14 ngày và yêu cầu tất cả hành khách phải cung cấp giấy chứng nhận sức khỏe do Cơ quan Y tế quốc gia tương ứng cấp và điền đầy đủ Phiếu khai báo khỏe do Bộ Y tế Indonesia cấp.
Với khả năng xét nghiệm còn thấp, hệ thống y tế mỏng manh và đang dần trở nên quá tải, Indonesia đã đưa ra một loạt các biện pháp khác mạnh tay hơn như tạm dừng các chuyến bay quốc tế, giãn cách xã hội quy mô lớn, đóng cửa biên giới với nhiều quốc gia khiến cho các doanh nghiệp nước này trở nên lao đao, người dân rơi vào cảnh thất nghiệp và các cuộc khủng hoảng về sức khỏe.
Lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1998, nền kinh tế Indonesia rơi vào suy thoái. Tăng trưởng kinh tế âm liên tiếp trong quý II và quý III. Quý IV cho dù có khởi sắc nhưng tăng trưởng kinh tế có khả năng chỉ đạt 0,6%. Bộ trưởng Tài chính Indonesia, bà Sri Muliayni dự báo tăng trưởng năm 2020 của Indonesia sẽ ở mức âm 2,2% đến âm 1,7%.
Du lịch, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Indonesia bị ảnh hưởng nặng nề. Ước tính, ngành du lịch nước này sẽ mất tới 44,3 nghìn tỷ Rp vào năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch.
Trưởng phòng Truyền thông Công cộng của Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo, ông Agustini Rahayu cho biết, theo số liệu đến tháng 9/2020, lượng khách du lịch nước ngoài chỉ đạt 3,5 triệu lượt người, nhỏ hơn nhiều so với số lượt khách du lịch nước ngoài năm 2019 là 16,7 triệu người. Nếu năm nay lượng du khách nước ngoài đến thăm có thể đạt 6 triệu lượt người, thì điều kiện của du lịch Indonesia chỉ bằng 20 năm trước. Gần 98% đại lý du lịch đã giải thể kéo theo hàng triệu nhân viên trong lĩnh vực này bị thất nghiệp. Chính phủ Indonesia đã phải cấp cho 101 cơ quan và thành phố 3,3 nghìn tỷ Rp (khoảng 2,24 tỷ USD) để hỗ trợ ngành du lịch.
Dịch bệnh cũng khiến hệ thống y tế ở Indonesia quá tải. Hàng trăm bác sĩ tử vong do Covid-19, tỷ lệ lấp đầy giường bệnh và phòng cách ly ở nhiều thành phố lớn đã lên đến 95%, các khu chôn cất nạn nhân Covid-19 được mở rộng thêm mỗi quý.
Vào đầu tháng 12/2020, Tổng thống Joko Widodo yêu cầu nội các của ông phải giải quyết ngay vấn đề số lượng lớn người thất nghiệp, bị sa thải trong đại dịch Covid-19. Theo Văn phòng Thống kê Indonesia, có tới 29,12 triệu người Indonesia bị ảnh hưởng bởi đại dịch, bao gồm thất nghiệp và không có khả năng làm việc toàn thời gian, cùng những tác động khác. Khảo sát của Bộ Lao động cho thấy, 88% các công ty chịu thiệt hại do đại dịch. 9/10 công ty được khảo sát cho biết bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi đại dịch.
Chính phủ Indonesia giảm thiểu rủi ro xã hội do dịch Covid-19 gây ra bằng các biện pháp bảo trợ xã hội cho người nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương, thực hiện chương trình phục hồi kinh tế quốc gia bằng cách cung cấp hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như giới kinh doanh. Indonesia cũng đã giải thể hàng chục tổ chức và các cơ quan nhà nước để cắt giảm bộ máy quan liêu và đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế.
Một trong những động thái của chính phủ Indonesia năm 2020 được coi là bước đột phá đó là thông qua Luật tạo việc làm mới. Luật này đưa ra một số thay đổi sâu rộng đối với lao động Indonesia, bao gồm việc tạo điều kiện cho người nước ngoài được miễn thuế thu nhập theo một số yêu cầu nhất định, cải tạo bộ máy hành chính, tạo thuận lợi thu hút đầu tư và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.
Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 của Indonesia đã xác định bốn trọng tâm chính bao gồm: y tế, bảo trợ xã hội, phục hồi kinh tế và cải cách cơ cấu. Đặc biệt, Indonesia đã tăng tốc xử lí dịch Covid-19 bằng cách nhanh tay đặt 426 triệu liều vaccine Covid-19 từ 4 công ty quốc tế khác nhau dự kiến sẽ tiêm phòng miễn phí cho toàn dân sau khi được Cơ quan giám sát thực phẩm và dược phẩm nước này xem xét cung cấp Giấy phép sử dụng khẩn cấp./.