Cần có chính sách hỗ trợ người khuyết tật tham gia BHXH, BHYT

VOV.VN - Hiện cả nước có hơn 6,4 triệu người khuyết tật, tuy nhiên, chỉ có hơn 31% trong số này có khả năng lao động. Đây là một lực lượng không nhỏ đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội và cần được bảo đảm về mặt an sinh.

Tuy nhiên, việc tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội của người khuyết tật còn nhiều hạn chế, đặc biệt trong vấn đề tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc và BHXH tự nguyện cho người khuyết tật.

Với khoảng 2 triệu người còn khả năng lao động, người khuyết tật tham gia vào nhiều ngành nghề trong các lĩnh vực như: kinh tế, xã hội, văn hoá, công nghệ thông tin…, có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế, xã hội của đất nước. Bà Đinh Thị Quỳnh Nga, Chủ nhiệm Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng cho biết: khi tham gia thị trường lao động, người khuyết tật cũng có nhu cầu được sử dụng các dịch vụ xã hội công bằng, bình đẳng, trong đó có bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH. Bởi khi tham gia BHXH, BHYT, người khuyết tật cũng được hưởng các quyền lợi về thai sản, ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, chế độ hưu trí… sẽ hỗ trợ họ rất nhiều trong việc ổn định cuộc sống khi gặp rủi ro, khi hết tuổi lao động hoặc không còn khả năng lao động. Tuy nhiên, theo quy định của Luật BHXH, người khuyết tật khó tham gia BHXH như những người bình thường, do người khuyết tật sức khỏe không tốt, mức lương thấp, thu nhập không ổn định. Tuổi thọ của họ cũng không thể so sánh với những người bình thường. Trong khi đó, quy định trong Luật BHXH chưa đề cập đến chế độ hưởng BHXH cho người khuyết tật, do đó, thời gian đóng và hưởng chế độ BHXH đối với người khuyết tật được tính như người bình thường.

Bà Đinh Thị Quỳnh Nga cho rằng, cần phải có tính toán hợp lý về việc hỗ trợ đóng BHXH và khoảng thời gian hưởng lương hưu sao cho phù hợp với điều kiện sức khỏe và khả năng lao động của người khuyết tật: “Bên BHXH huyện cũng đã có nhiều lần đưa công văn về Hợp tác xã yêu cầu phải tham gia BHXH cho người lao động. Thế nhưng đến nay Hợp tác xã vẫn gặp khó khăn về việc cho công nhân tham gia BHXH. Thu nhập của người lao động khuyết tật không đồng đều, có người được 3-4 triệu/tháng, có người 1,5 triệu/tháng nhưng cũng có người chỉ 500-700 nghìn/tháng. Chúng tôi tìm hiểu cũng biết là đóng BHXH tự nguyện, nếu người lương thấp, đóng BHXH tự nguyện cũng hết, không có khả năng tham gia. Một điều nữa là chính bản thân họ cảm thấy bấp bênh, họ không biết là sau này sẽ thế nào nên họ cứ chắc ăn là được tiền lương cứ hưởng đã”

Còn bà Nguyễn Thị Việt Anh, đại diện Công ty TNHH Vì người khiếm thính Việt Nam chia sẻ: “Thuyết phục được người khuyết tật tham gia BHXH cũng là điều hết sức khó khăn và nhạy cảm. Bởi các bạn ấy làm lương thấp cũng không muốn tham gia, trong khi đó, khi các bạn tham gia vào BHXH bắt buộc rồi thì tất cả các hỗ trợ khác của họ sẽ bị cắt đi”.

Theo bà Hoàng Phương Thảo, đại diện Tổ chức Action Aid, đang hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật, hiện nay Nhà nước đã tạo điều kiện để người khuyết tật thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ BHYT và quyền lợi cao nhất là hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo quy định, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật… Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có con số thống kê chính thức về số lao động là người khuyết tật làm việc trong các doanh nghiệp được tham gia BHXH bắt buộc và người khuyết tật tham gia BHXH tự nguyện.

Bà Hoàng Phương Thảo cũng cho rằng, cần phải xem xét tuổi nghỉ hưu phù hợp với người khuyết tật: “Có một vấn đề mà tôi nghĩ cơ quan BHXH và Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội có thể thay đổi ngay nhưng không hiểu sao vẫn chưa thay đổi được, đó là có điều khá vô lý là người khuyết tật nếu đóng BHXH thì tuổi nghỉ hưu vẫn là 55-60 tuổi, bằng với người không khuyết tật. Bản thân chúng ta đến 50 tuổi, nhiều người đã muốn nghỉ hưu rồi trong khi người khuyết tật mà phải đến tuổi đó mới nghỉ hưu thì hơi vô lý”.

Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ lao động là người khuyết tật tham gia BHXH còn thấp. Do hạn chế về mặt thể chất, người khuyết tật phần đông làm việc trong các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, mô hình gia đình, khu vực phi chính thức, công việc đơn giản, thu nhập thấp, làm theo thời vụ… nên ít được quan tâm đóng BHXH bắt buộc. Một nguyên nhân nữa là do nhận thức của người sử dụng lao động khuyết tật và chính bản thân người khuyết tật chưa hiểu biết trong việc chủ động tham gia BHXH, bảo đảm an sinh cho chính bản thân khi về già. Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lại càng khó khăn với người khuyết tật bởi đa số họ đều nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn.

Bà Dương Thị Minh Châu (Trưởng phòng truyền thông và phát triển đối tượng của BHXH Hà Nội) cho rằng: “Chính sách BHXH chưa có mục nào đề cập đến BHXH cho người khuyết tật mà chúng ta hoàn toàn đẩy về phần trợ cấp xã hội. Chúng tôi cũng muốn là người khuyết tật đã cố gắng tham gia đóng góp cho xã hội thì chúng ta phải cho họ hưởng quyền lợi nhiều hơn. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải tuyên truyền về chính sách BHXH để cho người khuyết tật nắm được quyền lợi của họ nếu tham gia BHXH. Ví dụ nếu họ tham gia BHXH tự nguyện thì vẫn được hưởng toàn bộ trợ cấp xã hội, vẫn được hưởng BHYT, đến khi đủ điều kiện để hưởng hưu thì sẽ từ quỹ BHXH chi trả. Lương hưu Nhà nước thì được điều chỉnh qua từng thời kì, có người về hưu từ năm 2000 mà hiện tại lương tăng gấp đôi”

Để nâng cao tỷ lệ đóng BHXH cho người khuyết tật, Nhà nước đã có chính sách khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhận người khuyết tật vào làm việc. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật (từ 30% trở lên) được hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp với người khuyết tật, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, vay vốn với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh, …Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay chính là vấn đề nhận thức về tầm quan trọng của BHXH trong việc ổn định cuộc sống người lao động khuyết tật. Vì vậy, để giải quyết thực trạng này, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp sử dụng lao động người khuyết tật về việc thực hiện đóng BHXH cho người lao động, trong đó có lao động là người khuyết tật. .

Bà Đinh Thị Thụy - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Người khuyết tật Việt Nam cho rằng, BHXH Việt Nam cần đưa ra các chế độ BHXH ưu tiên về mức hưởng, mức đóng cho lao động người khuyết tật: “Tôi thấy chính sách đóng BHXH đối với hộ nghèo và cận nghèo rất là hay, nhà nước có hỗ trợ khoảng 30%, tính ra là 99 nghìn/người, đối với hộ cận nghèo là 82,5 nghìn/người/tháng. Cái này cũng rất hay, nếu chúng ta cũng hỗ trợ người khuyết tật giống như hộ nghèo thì rất là tốt để đóng BHXH tự nguyện cho họ. Sau 10 năm hoặc 15 năm họ sẽ được hưởng lương hưu đó, thấp nhất cũng gấp 4-5 lần trợ cấp xã hội hiện nay, giúp người khuyết tật có cuộc sống về già sẽ tốt hơn”

 BHXH cho người khuyết tật đóng vai trò quan trọng giúp lao động là người khuyết tật có sự đảm bảo để ổn định cuộc sống, đặc biệt là hưởng chế độ hưu trí khi về già. Nhà nước cần có nhiều hơn các chính sách giúp người khuyết tật hòa nhập và được tham gia lao động trong khu vực chính thức để được đóng BHXH bắt buộc hoặc hỗ trợ họ tham gia BHXH tự nguyện.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đoàn Thể thao NKT Việt Nam về nước sau kỳ tích tại ASEAN Para Games 11
Đoàn Thể thao NKT Việt Nam về nước sau kỳ tích tại ASEAN Para Games 11

VOV.VN - Chiều nay (7/8), chuyên cơ chở Đoàn Thể thao NKT Việt Nam đã đáp xuống sân bay Nội Bài sau một kỳ ASEAN Para Games thành công trên đất Indonesia.

Đoàn Thể thao NKT Việt Nam về nước sau kỳ tích tại ASEAN Para Games 11

Đoàn Thể thao NKT Việt Nam về nước sau kỳ tích tại ASEAN Para Games 11

VOV.VN - Chiều nay (7/8), chuyên cơ chở Đoàn Thể thao NKT Việt Nam đã đáp xuống sân bay Nội Bài sau một kỳ ASEAN Para Games thành công trên đất Indonesia.