Indonesia ưu tiên chính sách ngoại giao kinh tế trong 5 năm tới
VOV.VN - Năm 2020, Indonesia sẽ tập trung ưu tiên các chính sách ngoại giao kinh tế, ngoại giao bảo hộ, tăng cường vai trò trong khu vực...
Hôm nay, Bộ ngoại giao Indonesia tổ chức họp báo quốc tế thường niên công bố những kết quả hoạt động đối ngoại năm 2019 và chính sách ngoại giao Indonesia trong năm 2020 và trong 5 năm tới.
Trong trang phục truyền thống của dân tộc Dayak, đảo Kalimantan, Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Marsudi đã truyền đạt 5 ưu tiên chính sách ngoại giao Indonesia trong thời gian tới trước các cơ quan đại diện ngoại giao cùng phóng viên báo chí trong và ngoài nước.
Theo đó, năm 2020, Indonesia sẽ tập trung ưu tiên các chính sách: ngoại giao kinh tế, ngoại giao bảo hộ, ngoại giao chủ quyền quốc gia, vai trò của Indonesia trong khu vực và toàn cầu cộng với ngoại giao đẩy mạnh cơ sở hạ tầng. Ngoại trưởng Indonesia nhấn mạnh, trong 5 năm tới, ngoại giao kinh tế là chính sách ngoại giao trọng tâm của Indonesia.
Indonesia ưu tiên chính sách ngoại giao kinh tế trong 5 năm tới. |
Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Marsudi cho biết: “Từ hôm nay cho tới hết năm 2020, Bộ Ngoại giao Indonesia sẽ làm việc với các Đại diện của Indonesia ở nước ngoài về vấn đề thúc đẩy ngoại giao kinh tế. Ngoại giao kinh tế tập trung vào việc thu hút đầu tư có chất lượng để hỗ trợ các ưu tiên phát triển bền vững của Indonesia, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, tăng , tcường các ngành công nghiệp hạ nguồn và xây dựng các hòn đảo tuyến ngoài và tiền tuyến, bao gồm Quần đảo Natuna.”.
Về ngoại giao bảo hộ, Ngoại trưởng Indonesia cho biết, nước này sẽ vẫn tập trung việc bảo vệ công dân Indonesia trong và ngoài nước. Phát triển ứng dụng “Du lịch an toàn” thông qua sự hợp tác với các tổ chức đưa công dân Indonesia đi du lịch nước ngoài và củng cố Cổng thông tin chăm sóc công dân tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Indonesia sẽ thúc đẩy "Thoả thuận di chuyển toàn cầu" để khuyến khích di cư an toàn, tăng cường sự đồng thuận ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền người di cư, hợp tác xử lí tội phạm buôn người xuyên quốc gia, thúc đẩy hoàn thành MoU về bố trí lao động nhập cư Indonesia ở nước đến.
Trong khi đó, đối với ngoại giao chủ quyền quốc gia, Indonesia sẽ tăng cường cường đàm phán cả về biên giới trên biển và trên bộ với Malaysia, Việt Nam, Philippines, Palau và Timor Leste. Indonesia cũng sẽ thẳng tay đối với các bên ủng hộ phong trào ly khai ở Indonesia như Tổ chức Papua tự do (OPM). Tiếp đến, để tăng cường vai trò của mình trong khu vực và toàn cầu, Indonesia sẽ tiếp tục góp phần mang lại hòa bình ở bang Rakhine, Palestine và Afghanistan. Ngoại trưởng Indonesia nhấn mạnh sẽ không thoả hiệp với những vi phạm về lãnh thổ và bác bỏ những tuyên bố chủ quyền không có cơ sở pháp lý và không theo Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Hướng tới năm chủ tịch ASEAN 2023, ngay từ bây giờ, Indonesia sẽ góp sức cho việc tăng cường bản sắc ASEAN, tăng cường khả năng thích nghi và khả năng đưa ra các quyết định một cách hiệu quả. Indonesia cam kết cùng với các nước ASEAN thúc đẩy Quan điểm về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (ASEAN Outlook on the Indo-Pacific)
Năm 2020, Indonesia sẽ tiếp tục tập trung các nhiệm vụ của thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc. Đặc biệt khi ngồi ở vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 8 năm 2020, Indonesia sẽ ưu tiên chủ đề chống khủng bố. Indonesia cũng kêu gọi các quốc gia ủng hộ nước này ứng cử thành viên Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) giai đoạn 2021-2023.
Đại sứ quán Indonesia tại Hà Nội đạt giải thưởng Malik 2019 hạng mục hoạt động tích cực nhất trong truyền thông xã hội. |
Như một cam kết trong việc đóng góp vào các vấn đề hoà bình và nhân đạo trên thế giới, cuối năm 2019, Indonesia đã cho ra mắt quỹ chuyên trách viện trợ nước ngoài (AID), tập trung vào khu vực Thái Bình Dương. Năm 2020, Indonesia sẽ tiếp tục hợp tác với các quốc gia khác để tiếp tục phát triển quỹ này.
Cuối cùng, về ngoại đẩy mạnh giao cơ sở hạ tầng, Indonesia đã lên kế hoạch xây dựng các cơ sở hạ tầng ngoại giao trong và ngoài nước cho 5 năm tới và tập trung chuyển đổi kĩ thuật số.
Tại buổi họp báo, Ngoại trưởng Indonesia cũng đề cập tới vấn đề của Iran và mong muốn các bên liên quan kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng, đồng thời cho biết Indonesia đã lên kế hoạch dự phòng, thiết lập đường dây nóng và trung tâm khủng hoảng để dự đoán tác động của cuộc xung đột Iran-Mỹ đối với công dân Indonesia.
Trước đó, Ngoại trưởng Indonesia đã nêu bật những kết quả trong hoạt động đối ngoại của Indonesia năm 2019. Bà Retno Marsudi khẳng định: "Trong năm vừa qua, Indonesia luôn kiên định trong các chính sách ngoại giao tự do và chủ động giữa một thế giới đầy biến động và thử thách, nơi các cuộc xung đột vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, sự suy giảm kinh tế thế giới, vấn đề nhân quyền ở nhiều nơi chưa được chú trọng ví dụ như ở Palestine. Indonesia cũng luôn đấu tranh cho quyền lợi của quốc gia và đóng góp cho hoà bình, ổn định thế giới."
Năm 2019, trong vai trò thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và nắm giữ vị trí chủ tịch luân phiên vào tháng 5/2019, Indonesia đã thực hiện tốt chính sách “đầu tư cho hoà bình”, trong đó tập trung cho các vấn đề về phụ nữ, hoà bình và an ninh.
Đặc biệt, Indonesia cùng các nước ASEAN đã hợp tác thúc đẩy quan điểm về khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực này.
Năm 2019 cũng được đánh dấu bằng sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, tăng trưởng nền kinh tế và thương mại toàn cầu xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Giữa tình hình đó, Indonesia liên tục thiết lập hợp tác kinh tế sâu rộng dựa trên nguyên tắc cùng có lợi.
Trong khuôn khổ buổi họp báo, Bộ ngoại giao Indonesia còn công bố giải thưởng Malik 2019 dành cho báo chí và các cơ quan ngoại giao có đóng góp cho hoạt động ngoại giao của đất nước để ghi nhận và thúc đẩy sự cống hiến của cơ quan này cho nền ngoại giao nước nhà./.
Indonesia sẵn sàng huy động hàng trăm tàu cá đến vùng biển Natuna