Indonesia: Việc thực hiện RCEP đòi hỏi cam kết chính trị cao
VOV.VN - Chính phủ Indonesia cho rằng, việc thực hiện Hiệp định RCEP đòi hỏi cam kết chính trị cao của tất cả các quốc gia thành viên.
Ngày 15/11, Hiệp định đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết sau 8 năm đàm phán. Chính phủ Indonesia cho rằng, việc thực hiện Hiệp định RCEP đòi hỏi cam kết chính trị cao của tất cả các quốc gia thành viên.
Phát biểu tại buổi họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh cấp cao Hiệp định đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực RCEP lần thứ 4, Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Marsudi cho biết, Hiệp định đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực được kỳ vọng sẽ mang lại sự lạc quan mới cho sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và Indonesia vinh dự trở thành quốc gia điều phối cho quá trình xây dựng hiệp định này.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Indonesia nhấn mạnh, theo Tổng thống nước này, việc ký kết RCEP mới chỉ là bước khởi động. Các bước thực hiện và các giá trị phía trước của hiệp định là một con đường dài đòi hỏi cam kết chính trị cao của tất cả các quốc gia.
Theo Ngoại trưởng Indonesia, RCEP đánh dấu cam kết của Indonesia đối với các nguyên tắc thương mại đa phương cởi mở, công bằng và mang lại lợi ích cho tất cả các bên.
Quá trình đàm phán RCEP trong gần 1 thập kỉ qua là không dễ dàng, thể hiện cam kết của khu vực đối với vai trò trung tâm của ASEAN và là biểu tượng cam kết của các nhà lãnh đạo trong khu vực đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Việc kí kết RCEP giữa 10 nước thành viên ASEAN với 5 nước đối tác là Australia, New Zealand, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi và cạnh tranh cho các nền kinh tế trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, ông Agus Suparmanto nhấn mạnh, Indonesia rất tự hào vì RCEP ra đời trên ý tưởng của Indonesia khi là Chủ tịch của ASEAN năm 2011. Đây là một thành tích của Indonesia trên trường thương mại quốc tế và cũng sẽ giúp Indonesia tiến xa hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Thương mại Agus, Indonesia phải tận dụng lợi thế phát triển bằng cách sử dụng liên kết ngược, đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu thô hoặc phụ liệu có tính cạnh tranh cao hơn so với các nước RCEP khác; cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa và dịch vụ; tăng sức cạnh tranh của cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng kinh tế, đồng thời, tiếp tục quan sát và đáp ứng các xu hướng tiêu dùng thế giới.
Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Indonesia, kim ngạch xuất khẩu của Indonesia sang 14 quốc gia RCEP trong 5 năm qua đạt 7,35%. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của Indonesia từ các quốc gia RCEP chiếm 65,79% tổng kim ngạch nhập khẩu của Indonesia từ các quốc gia trên thế giới.
Các chuyên gia kinh tế Indonesia dự báo, trong 5 năm tới, sau khi được kí kết, RCEP kim ngạch xuất khẩu của Indonesia ra các quốc gia thành viên RCEP sẽ đạt từ 8-11%, trong khi đầu tư vào Indonesia sẽ đạt khoảng 18-22%. Điều này có nghĩa, Indonesia có thể tận hưởng hiệu ứng lan tỏa của hiệp định thương mại tự do (FTA) từ các nước trong và ngoài thành viên RCEP./.