IOM: Việt Nam cần mạnh tay hơn nữa đối với tội phạm buôn người
VOV.VN - Đây là nhấn mạnh của ông Mark Brown, trưởng đại diện văn phòng Tổ chức di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam trước tình trạng buôn người bất hợp pháp...
Ngày 7/11, Cảnh sát Anh cùng các cơ quan chức năng của Việt Nam đã chính thức xác nhận 39 nạn nhân bị thiệt mạng trong một chiếc xe container đông lạnh tại miền Đông nước Anh đều là người Việt Nam.
Những nạn nhân này đều là những người di cư bất hợp pháp bị lừa đảo trong một đường dây đưa người vượt biên trái phép xuyên quốc gia. Vụ việc cũng gióng lên một hồi chuông báo động về tình trạng di cư bất hợp pháp ở Việt Nam và sự cần thiết phải nâng cao nhận thức của người dân cũng như sự kiên quyết của Chính quyền trong việc ngăn chặn các đường dây buôn người xuyên quốc gia.
Hiện trường vụ phát hiện 39 thi thể trong container tại Essex, Anh. (Ảnh: Reuters) |
Trước thảm kịch đau lòng về 39 người Việt Nam tại Anh, ông Mark Brown, trưởng đại diện văn phòng Tổ chức di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam đã trả lời PV của phóng viên VOV về vấn đề này:
PV: Ông đánh giá như thế nào về tình trạng di cư bất hợp pháp ra nước ngoài ở Việt Nam hiện nay và đâu là lý do để người Việt Nam bất chấp hiểm nguy di cư bất hợp pháp ra nước ngoài ?
Ông Mark Brown: Kể từ năm 2012, hơn 100.000 người Việt Nam đã đi làm việc ở nước ngoài và con số này ngày càng tăng. Trong giai đoạn từ năm 2012-2016, phần lớn công nhân lao động ở nước ngoài từ các tỉnh Bắc và Bắc Trung Bộ. Những người di cư ngoài bao gồm cả những người lao động chính thức và không chính thức, tức là vượt qua biên giới thông qua những con đường mòn trên đất liền hoặc bằng thuyền.
Trong Báo cáo thường niên năm 2018 của Vương quốc Anh về tình trạng “nô lệ hiện đại” cho thấy, số liệu "bóc lột sức lao động" là cao nhất. Năm 2017, IOM đã phỏng vấn nhiều người Việt Nam trở về từ Vương quốc Anh. Hầu hết họ đều nói rời đi vì áp lực kinh tế.
Một số người cũng đề cập đến áp lực gia đình phải di cư, trong đó có mong muốn thoát khỏi bạo lực gia đình hoặc ly hôn, các vấn đề nợ nần và các vấn đề xã hội trong nước khác. Tiền lệ cũng quan trọng, vì một số người di cư trong quá khứ đã di cư thành công và gửi tiền về cho gia đình họ. Điều này thật không may đã khuyến khích những người khác chấp nhận rủi ro di cư bất hợp pháp.
PV: Theo ông, những thách thức mà người di cư bất hợp pháp có thể phải đối mặt là gì?
Ông Mark Brown: Di cư bất hợp pháp là nỗ lực của ai đó vượt qua biên giới bằng mọi cách để vượt qua nghịch cảnh, để cho gia đình và bản thân họ có một cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, nguy hiểm và rủi ro lớn nhất của họ chính là đối mặt với tội phạm buôn người.
Khi đó, họ có thể bị bóc lột hoặc lạm dụng, hoặc họ cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực. Sự lạm dụng có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào dọc theo chuỗi cung ứng lao động. Tất cả các nơi làm việc sử dụng lao động di cư cần phải cảnh giác với nguy cơ bị bóc lột. Bởi những kẻ liên quan đến buôn người là tội phạm.
Họ sẽ dùng mọi thủ đoạn để lừa tiền của người có mong muốn di cư bất hợp pháp. Khi đã thành con mồi trong tay những kẻ buôn người, những người di cư chính là những đối tượng dễ bị tổn thương. Họ thiếu sự bảo vệ pháp lý và họ trải qua các mối đe dọa và bóc lột. Những người di cư có thể bị buộc phải trả tiền phạt bởi chính quyền ở cả hai bên biên giới.
PV: Ông có những khuyến nghị gì đối Chính phủ Việt Nam để ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp hiện nay?
Ông Mark Brown: Chúng tôi biết, Chính phủ Việt Nam đã làm rất nhiều để ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp và IOM đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn Việt Nam hãy tiếp tục nâng cao nhận thức, cung cấp thông tin, điều tra về cách thức của những kẻ buôn người để chặn đứng các đường dây nguy hiểm này. Chính phủ Việt Nam cũng cần thúc đẩy các cơ hội di cư an toàn và các lựa chọn sinh kế thay thế.
Chúng tôi muốn chính quyền và các cơ quan chức năng của Việt Nam tiếp tục điều tra và trừng trị mạnh tay những tội phạm buôn người và tiếp tục chia sẻ thông tin với các cơ quan có liên quan để họ có thể phản ứng nhanh chóng. Chúng tôi mong muốn chính quyền khuyến khích những người di cư dễ bị tổn thương và gia đình của họ báo cáo nghi ngờ về tình trạng buôn bán người cũng như đảm bảo người cung cấp thông tin được bảo vệ khỏi các mối đe dọa.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Không công bố cụ thể danh tính 39 nạn nhân thiệt mạng ở Anh