Iran cân nhắc ngừng hợp tác với IAEA sau vụ chuyên gia hạt nhân bị ám sát
VOV.VN - Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad-Bagher Ghalibaf hôm qua kêu gọi một “phản ứng mạnh mẽ” nhằm trả đũa vụ ám sát, cũng như đảm bảo khả năng răn đe của nước này.
Một ngày sau vụ chuyên gia hạt nhân hàng đầu Iran bị sát hại, các nghị sĩ Quốc hội nước này đã đồng loạt ký đơn yêu cầu hành động đáp trả, đồng thời ủng hộ một dự luật cho phép Iran ngừng hợp tác với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IEAE). Giới quan sát lo ngại cái chết của ông Fakhrizadeh có nguy cơ thổi bùng ngọn lửa chiến tranh tại Trung Đông và gây phức tạp cho chính quyền tương lai tại Mỹ nếu muốn khôi phục quan hệ với nước Cộng hòa Hồi giáo.
Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad-Bagher Ghalibaf hôm qua kêu gọi một “phản ứng mạnh mẽ” nhằm trả đũa vụ ám sát, cũng như đảm bảo khả năng răn đe của nước này. Một thông cáo được tất cả các nghị sĩ ký sau đó cũng nhấn mạnh, phản ứng tốt nhất trước những hành vi khủng bố và phá hoại của Ixraen, Mỹ và các đồng minh chính là hồi sinh ngành công nghiệp hạt nhân, đồng thời chấm dứt việc thực hiện cam kết bổ sung với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế. Cựu Tổng tư lệnh Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran Mohsen Rezaï và hiện là Thư ký Hội đồng Phân xử khẩn cấp Iran thậm chí còn cho rằng, không có lý do gì để Iran không cân nhắc việc rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Theo Chuyên gia Vương Tiến thuộc Đại học Tây Bắc Trung Quốc, vụ sát hại ông Mohsen Fakhrizadeh đánh dấu bước leo thang nguy hiểm trong căng thẳng ở Trung Đông khi là đòn giáng trực tiếp vào bộ máy an ninh quốc gia của Iran.
“Vụ ám sát này là một đòn giáng mạnh vào bộ máy an ninh quốc gia của Iran. Và vì thế, chắc chắn Iran sẽ có động thái đáp trả hay ít nhất là phản ứng để thể hiện sự tức giận của họ. Nếu chúng ta nhìn vào tương lai, vụ ám sát này thực sự là một diễn biến rất nguy hiểm và có thể làm gia tăng bất ổn khu vực”, ông Vương Tiến nói.
Dù không có nhiều thông tin chính thức, song Mỹ và Israel đều thống nhất quan điểm rằng ông Fakhrizadeh là người đứng đầu chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Iran. Đây cũng là nhà khoa học Iran duy nhất có tên trong bảng đánh giá cuối cùng của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về quá trình làm giàu hạt nhân của Iran. Tổng thống Iran Hassan Rouhani chỉ trích, Ixraen đang tìm cách gieo rắc “sự hỗn loạn”, đồng thời cam kết sẽ nhanh chóng đưa ra phản ứng. Tuy nhiên, Nhà lãnh đạo Iran cũng cho thấy sự thận trọng khi cảnh báo, Iran sẽ không để bị rơi vào “cái bẫy” do Israel giăng ra.
Lo ngại nguy cơ ngọn lửa căng thẳng vượt tầm kiểm soát sau vụ sát hại, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã kêu gọi các bên kiềm chế: “Chúng tôi rất lo ngại về tình hình Iran và rộng hơn là tình hình khu vực. Các bên liên quan cần giảm leo thang căng thẳng. Tôi cũng đã thảo luận với Pháp và Đức. Chúng tôi vẫn chờ đợi những thông tin đầy đủ về vụ ám sát, cố gắng xác minh những gì đã xảy ra và tất nhiên trên cơ sở tuân thủ quy tắc của luật nhân đạo quốc tế chống lại việc nhằm mục tiêu vào dân thường.”
Hiện cả Israel, lẫn Nhà Trắng và nhóm chuyển tiếp của ông Joe Biden, người được truyền thông công bố là Tổng thống đắc cử của Mỹ đều chưa đưa ra phản ứng. Tuy nhiên, vụ ám sát chắc chắn sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với chính quyền tương lai tại Mỹ.
Kể từ khi truyền thông Mỹ công bố ông Joe Biden là người chiến thắng bầu cử, Tổng thống Rouhani đã liên tục gửi đi các tín hiệu cho thấy thiện chí của nước này nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân. Trong khi đó, ông Joe Biden cũng nhiều lần tuyên bố sẽ đưa nước Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, sức ép về thời gian là rất lớn khi cuộc bầu cử Tổng thống tại Iran đang tới gần (tháng 6 năm sau). Phe Bảo thủ tại nước này đang nhận được sự ủng hộ ngày một cao sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử lập pháp hồi tháng 2 trước liên minh những người ôn hòa và cải cách ủng hộ Tổng thống Rouhani./.