Iran cứng rắn với Mỹ trong vấn đề thỏa thuận hạt nhân
VOV.VN - Iran cho rằng thỏa thuận hạt nhân Iran là không thể đảo ngược và chính Mỹ sẽ bị thế giới lên án khi vi phạm thỏa thuận này.
Chưa đầy một tuần nữa là đến thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố việc có hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức) hay không. Bất chấp nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận này, phía Iran đã ra tín hiệu quyết không nhượng bộ về chương trình hạt nhân.
Tổng thống Iran Rouhani. Ảnh: SBS.
Theo truyền thông nhà nước Iran, phát biểu tại một lễ kỷ niệm ở Đại học Tehran, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã bảo vệ thỏa thuận hạt nhân giữa nước này và các cường quốc phương Tây, đồng thời khẳng định Tổng thống Mỹ Donald Trump không thể gây tổn hại thỏa thuận này.
"Trong những cuộc đàm phán và thỏa thuận, chúng ta đã đạt được những vấn đề và lợi ích không thể bị đảo ngược. Không ai có thể đảo ngược điều này, kể cả đó là ông Donald Trump hay bất cứ ai khác. Chúng ta đã ký kết thỏa thuận, nếu phía bên kia vẫn tuân theo thỏa thuận thì chúng ta cũng sẽ tuân thủ và thực hiện thỏa thuận. Nếu Mỹ vi phạm thỏa thuận hạt nhân, thế giới sẽ lên án Mỹ, chứ không phải Iran".
Trong khi đó, nhật báo Etemad cho rằng Iran sẽ là nước thắng cuộc, nếu Mỹ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân nói trên. Các chính trị gia có tư tưởng cải cách nói với tờ báo này rằng, việc hủy bỏ thỏa thuận sẽ cho thấy Mỹ không đáng tin cậy trong việc thực hiện đầy đủ các cam kết của họ, trong bối cảnh Triều Tiên cũng đang theo đuổi phát triển vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, theo hai quan chức cấp cao Mỹ, Tổng thống Donald Trump có kế hoạch tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran vào tuần tới. Reuters dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết, ông Donald Trump có khả năng sẽ đưa ra một chiến lược mới toàn diện với Iran mang tính đối đầu hơn, bởi chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích hành động của Iran ở Trung Đông.
Trước đó, ông Donald Trump từng gọi thỏa thuận hạt nhân với Iran được ký kết dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2015 là “nực cười” và “là thỏa thuận tồi tệ nhất trong lịch sử”. Ông Donald Trump còn hoài nghi, liệu thỏa thuận này có phục vụ cho lợi ích an ninh của nước Mỹ.
Phát biểu trong một cuộc họp với các quan chức quân sự tại Nhà Trắng, ông Donald Trump cho biết: "Chúng ta sẽ không cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Chính phủ Iran ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và là nguyên nhân gây ra tình trạng bạo lực, đẫm máu, hỗn loạn ở Trung Đông. Đó là lý do tại sao chúng ta cần chấm dứt sự hung hăng và tham vọng hạt nhân của Iran. Họ đã không làm theo tinh thần của bản thỏa thuận”
Nhiều người cho rằng, nếu Mỹ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, các cuộc đua vũ trang sẽ ngay lập tức xuất hiện đồng thời làm tình hình căng thẳng ở Trung Đông gia tăng. Một số khác thì nhận định việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt với Iran sẽ không đảm bảo quốc gia này từ bỏ chương trình hạt nhân vĩnh viễn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ có bài phát biểu vào ngày 12/10, trong đó phác thảo một chiến lược lớn hơn nhằm đối phó với Iran và công bố việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân. Động thái này sẽ đánh dấu bước đi đầu tiên trong tiến trình có thể trên thực tế dẫn đến việc tiếp tục các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Nguy cơ sụp đổ thỏa thuận hạt nhân Iran hiện hữu
Sau khi lên nắm quyền vào tháng 1/2017, tức một năm sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), có hiệu lực, Mỹ đã tìm các lý do để đơn phương rút hoặc hủy bỏ thỏa thuận này. Trong khi đó, tất cả các bên tham gia ký kết Kế hoạch hành động toàn diện chung, ngoại trừ Mỹ, đều nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân Iran cần phải được duy trì.
Giới phân tích cho rằng, việc lấy lý do Iran thử tên lửa là không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân là không có cơ sở. Gốc gác của vấn đề là Mỹ đang không hài lòng việc Iran gia tăng ảnh hưởng quân sự và chính trị ở khu vực Trung Đông thông qua việc can thiệp vào tình hình Yemen và Syria. Điều này có nghĩa rằng, thực chất đòi hỏi của Tổng thống Mỹ Donald Trump là nhằm gây sức ép buộc Iran thay đổi chính sách của mình tại Trung Đông và làm yên lòng đồng minh Israel và Saudi Arabia. Hai nước này lo ngại Iran đang có kế hoạch mở một hành lang qua lãnh thổ Iraq tới Syria và sự hiện diện quân sự của Iran tại Syria sẽ đe dọa trực tiếp tới an ninh của họ./.