Iran - Iraq sắp có khu công nghiệp chung
Một động thái giúp hàn gắn 2 quốc gia láng giềng của vùng Vịnh vốn nhiều bất đồng vừa diễn ra khi Iran và Iraq lên kế hoạch xây dựng một thị trấn công nghiệp chung tại khu vực biên giới 2 nước.
Đây sẽ là chiếc cầu nối thắt chặt hơn mối quan hệ giữa 2 quốc gia láng giềng này không chỉ về mặt kinh tế, mà quan trọng hơn là về mặt chính trị.
Trong một cuộc gặp mới đây giữa Thủ tướng Khu vực tự trị người Kurd ở Iraq và tỉnh trưởng Kurdistan của Iran, hai bên đã nhất trí thành lập khu công nghiệp chung tại khu vực biên giới Bashmaq, nối tỉnh Kurdistan miền Tây Iran với khu vực Sulaimaniyah của Iraq. Các nhà lãnh đạo Iran và Iraq đều bày tỏ hy vọng sau khi đi vào hoạt động, khu vực này sẽ thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai bên.
Có thể nói rằng, với mối quan hệ láng giềng đã trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử, khu công nghiệp chung này chắc chắn sẽ là biểu tượng tốt đẹp cho hòa bình và hợp tác giữa Iran và Iraq. Hơn thế, đây thực sự còn là một kế hoạch mà đôi bên cùng có lợi.
Trước hết là đối với Iraq, đất nước ngập chìm trong khói lửa chiến tranh kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến tại nước này vào năm 2003. Xung đột và bạo lực đã biến Iraq trở thành đống đổ nát, trong khi nhà bảo trợ hàng đầu là Mỹ dường như chỉ lo trấn áp bạo lực, chứ không đủ sức quan tâm tới việc tái thiết quốc gia vùng Vịnh này. Vì vậy, thời gian gần đây, các nhà lãnh đạo Iraq đã “tự thân vận động” trong việc kêu gọi hợp tác, đầu tư để “tự cứu mình” và người láng giềng Iran chính là một đối tác thích hợp cho mục đích này.
Tuy nhiên, việc tăng cường trao đổi thương mại thông qua khu công nghiệp chung sẽ không chỉ đem lại lợi ích cho Iraq mà còn cho cả Iran. Từ xa xưa, quốc gia Hồi giáo này vốn coi trọng mối quan hệ hợp tác với Iraq bởi Iraq nằm trong tuyến đường trung chuyển bắt buộc đối với việc buôn bán của người Iran với khu vực bờ biển phía Đông Địa Trung Hải. Giờ đây, Iran càng quan tâm tới việc hợp tác với Iraq, không chỉ vì mục đích kinh tế mà còn nhằm gia tăng ảnh hưởng của Iran tại khu vực vùng Vịnh.
Là quốc gia có biên giới dài nhất với Iraq, lẽ dĩ nhiên, Iran có tầm ảnh hưởng nhất định đối với nền chính trị tại Iraq. Quốc gia Hồi giáo Iran có mối quan hệ chặt chẽ với các lực lượng Hồi giáo dòng Shiite tại Iraq như Hội đồng Cách mạng Hồi giáo, Liên minh Nhà nước Pháp quyền của Thủ tướng đương nhiệm Nuri an Maliki hay Phong trào Mudstada al Shah.
Người Kurd ở khu vực tự trị miền Bắc Iraq cũng nhận được sự ủng hộ không nhỏ của chính quyền Tehran. Dưới thời Tổng thống Saddam Hussein - nhà lãnh đạo Iraq theo dòng Sunni, nhiều người Shiite và người Kurd ở Iraq đã phải chạy sang Iran để tránh các cuộc thanh trừng sắc tộc.
Vào thời điểm hiện tại, khi mà tình hình Iraq sau cuộc bầu cử Quốc hội vẫn còn chưa rõ ràng, Iran muốn bắt tay chặt hơn với các lực lượng đồng minh tại quốc gia láng giềng cũng là điều dễ hiểu. Bởi nếu Cựu Thủ tướng Ayad Allawi - người dẫn đầu cuộc đua vào Quốc hội thành lập được chính phủ mới tại Iraq, thì cán cân quyền lực tại quốc gia này sẽ thay đổi. Nghĩa là dòng Hồi giáo Sunni sẽ trở lại nắm quyền và người Shiite thân Iran sẽ mất thế áp đảo trên chính trường trong 7 năm qua.
Tựu chung lại, dù vì lý do gì thì dư luận đều ủng hộ sự hợp tác giữa Iran và Iraq, bởi điều đó không chỉ có lợi cho 2 nước mà còn cho khu vực vốn tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn và xung đột này./.