Iran sẽ “trả thù thảm khốc” vụ ám sát khoa học Mohsen Fakhrizadeh
VOV.VN - Vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran có thể châm ngòi cho một cuộc chiến toàn diện ở khu vực giữa Iran với Mỹ và Israel.
Nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh, cha đẻ tinh thần của các chương trình hạt nhân đã bị ám sát ngày 27/11 trong một cuộc tấn công ở Badamand thuộc tỉnh Tehran. Iran cáo buộc Israel ám sát Fakhrizadeh và nhấn mạnh rằng vụ việc sẽ không làm chậm chương trình hạt nhân của nước này. Tuy nhiên vụ ám sát có thể châm ngòi cho một cuộc chiến toàn diện ở khu vực giữa Iran với Mỹ và Israel.
Vào ngày 27/11, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu và Công nghệ tại Bộ Quốc phòng Iran, Mohsen Fakhrizadeh đã bị giết trong một vụ ám sát được Tehran mô tả là "khủng bố". Ông Fakhrizadeh đã bị bắn trọng thương và đã chết trong bệnh viện sau khi chiếc xe trở ông và vệ sĩ bị tấn công sau vụ đụng độ trên đường. Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami cho biết xe chở Mohsen Fakhrizadeh bị chặn bởi một xe ô-tô cài bom phát nổ và bị nổ súng tấn công khiến Fakhrizadeh bị thương trước khi chết.
Iran lên án hoạt động này và khẳng định Israel là chủ mưu. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cáo buộc Israel ám sát Fakhrizadeh. Trong khi đó báo chí khu vực cho rằng, vụ ám sát có thể đã nhận được sự ủng hộ của Mỹ bởi trước đó ông Donald Trump đã quyết định tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran vào đầu tháng này cũng như cũng cam kết không cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân như Israel đã làm.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres kêu gọi kiềm chế và tránh bất kỳ hành động nào có thể dẫn đến leo thang căng thẳng ở Trung Đông. Phó Tổng thư ký Phong trào Hezbollah lên án vụ tấn công và nói rằng hành động đáp trả sẽ nằm trong tay Iran. Về phần mình, Israel từ chối bình luận. Tại Hoa Kỳ, Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và CIA không đưa ra bình luận gì về hoạt động này. Nhóm chuyển tiếp của Biden từ chối bình luận. Trong bối cảnh đó, Israel đã nâng mức cảnh báo tại các đại sứ quán của họ trên khắp thế giới, các phái đoàn và cộng đồng Do Thái cũng đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa tương tự, sau vụ ám sát Fakhrizadeh và khả năng Iran trả đũa.
Nét tương đồng trong các vụ ám sát nhân vật quan trọng của Iran
Thứ nhất cả nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh và Trung tướng Soleimani đều là những người có tầm ảnh hưởng lớn và rất quan trọng của Iran trong lĩnh vực an ninh, khoa học.
Thứ hai, cả hai đều bị ám sát vào những thời điểm quan trọng. Như tướng Soleimani bị Mỹ ám sát tại Iraq vào đầu năm nay khi mà căng thẳng Mỹ đang leo thang và chính sách gấy áp lực tối đa của Mỹ gần như thất bại. Còn nhà khoa học Fakhrizadeh bị nghi là do Israel, đồng minh chiến lược của Mỹ ở Trung Đông ám sát bởi đây là nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran. Ông Fakhrizadeh bị ám sát tại Iran vào thời điểm Mỹ sắp có tổng thống mới và khả năng sẽ nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran.
Thứ ba, cả hai vụ ám sát này đều cho là liên quan tới Mỹ và Israel, hai nước mà Iran coi là thù địch. Thứ tư, hai vụ ám sát đều nhằm gây sức ép với Iran, ngăn cản ảnh hưởng của Iran về an ninh và hạt nhân, đồng thời châm ngòi “nổ” cho cuộc xung đột khu vực. Thứ năm, vụ ám sát diễn ra trong bối cảnh lo ngại mới về sự gia tăng lượng uranium mà Iran đang làm giàu, vốn cần thiết để sản xuất năng lượng hạt nhân hòa bình cũng như có thể sản xuất vũ khí hạt nhân.
Chương trình hạt nhân Iran có thể bị tác động?
Nhà khoa học Fakhrizadeh được coi là cha đẻ tinh thần của các chương trình hạt nhân và tên lửa của Iran. Ông là người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu và Công nghệ tại Bộ Quốc phòng Iran, đồng thời phụ trách chính chương trình vũ khí hạt nhân bí mật của Iran. Vì vậy khi nhà khoa học này không còn nó cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới các dự án hạt nhân mà ông đang phụ trách.
Tuy nhiên, ông Fakhrizadeh không phải là nhà khoa học hạt nhân Iran đầu tiên bị ám sát. Trước đó, nhiều nhà khoa học hạt nhân Iran đã bị ám sát. Dù chưa có ai, tổ chức hay nước nào nhận trách nhiệm vụ ám sát này nhưng Tổng thống Iran Hassan Rouhani cáo buộc Israel đã ám sát nhà khoa học Fakhrizadeh và nhấn mạnh rằng vụ việc sẽ không làm chậm chương trình hạt nhân của nước này.
Giới phân tích cũng cho rằng vụ ám sát Mohsen Fakhrizadeh có thể không ảnh hưởng đáng kể đến chương trình hạt nhân Iran mà ông đã giúp xây dựng, nhưng chắc chắn sẽ gây khó khăn cho việc cứu vãn thỏa thuận hạt nhân. Mục tiêu ám sát Fakhrizadeh là làm suy yếu bất kỳ nỗ lực nào để phục hồi thỏa thuận này nhất là khi tổng thống mới của Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ nối lại đàm phán với Iran và phục hồi thỏa thuận hạt nhân. Mục đích chính của vụ ám sát được cho là phá hoại hoạt động ngoại giao của Iran.
Iran cảnh báo về “sự trả thù thảm khốc”
Trước hết đây là những tuyên bố mang tính răn đe nhiều hơn là hành động. Bởi Tổng thống Iran dù trực tiếp cáo buộc Israel có liên quan đến vụ ám sát và nói rằng Israel phải chịu trách nhiệm về vụ ám sát này nhưng đồng thời tuyên bố sẽ đáp trả "vào thời điểm thích hợp” và cái chết của nhà khoa học này sẽ không đẩy Iran đưa ra quyết định vội vàng. Lãnh tụ tinh thần Iran Ali Khamenei thề sẽ trả thù. Ông Hossein Dehghan, cố vấn quân sự của Ayatollah Khamenei, đã thề sẽ tấn công như "sấm sét những kẻ đang cố gắng kích động một cuộc chiến toàn diện."
Nếu đáp trả, Iran sẽ tấn công trực tiếp hoặc gián tiếp vào các lợi ích của Israel hoặc Mỹ nhưng cũng có thể xảy ra ở những nơi xa Trung Đông, như trường hợp vào năm 2012, khi một chiếc xe buýt cho khách du lịch Israel bị tấn công ở Bulgaria. Có khả năng căng thẳng sẽ gây ra một cuộc xung đột rộng lớn hơn trong khu vực mà Mỹ sẽ tham gia vào một cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Iran. Đây là điều mà ông Netanyahu đã tìm kiếm từ lâu như vậy thì Iran sẽ mắc sai lầm khi bị kích động nhất là ở thời điểm mà Tổng thống đắc cử Joe Biden sắp nắm quyền, sẽ tìm cách theo đuổi các cuộc đàm phán và giảm leo thang với Iran.
Iran sẽ kiềm chế tránh đối đầu hay phát động chiến tranh hay tấn công trả đũa vào thời điểm này. Tuy nhiên, vụ ám sát chắc chắn sẽ làm leo thang căng thẳng giữa Iran và Mỹ, Israel trong những tuần cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump. Đặc biệt là nó trùng hợp với việc một tàu sân bay của Mỹ đã di chuyển đến khu vực vùng Vịnh cùng với các tàu chiến khác./.