Iran trước cơ hội đạt được thỏa thuận hạt nhân toàn diện
VOV.VN - Tổng thống Iran Rowhani cảnh báo, cuộc đàm phán này sẽ chỉ thành công nếu “phương Tây chân thực và nghiêm túc”.
Vòng đàm phán về một thỏa thuận toàn diện cuối cùng giữa Iran và nhóm P5+1 dự kiến diễn ra vào ngày 18/2 tới tại Vienna (Áo). Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại các bên tham gia đàm phán, đặc biệt là Mỹ và Iran vẫn còn có một số quan điểm khác biệt. Điều này đang đe dọa cơ hội đạt được thỏa thuận hạt nhân cuối cùng giữa Iran và nhóm P5+1.
Một vòng đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 (Ảnh: PressTV) |
Ngày 5/2,Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định, Mỹ sẽ khó đạt được mong muốn tại cuộc đàm phán sắp tới giữa nước này và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Zarif cho biết, Mỹ muốn Iran từ bỏ các phần quan trọng trong chương trình hạt nhân của nước này nhưng “những mong muốn đó ít có khả năng trở thành hiện thực", do đó Washington đang đàm phán với Tehran để đạt được "một giải pháp dựa trên thực tế”.
Tuy nhiên, theo ông Zarif, vấn đề công nghệ hạt nhân của Iran là vấn đề không thể thương lượng và những tuyên bố chỉ trích các cơ sở hạt nhân của Iran đều là vô giá trị. Ngoại trưởng Iran cho rằng, bất kỳ quyết định nào về chương trình hạt nhân của Tehran phải bao gồm việc loại bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt chống lại quốc gia Hồi giáo này.
Ông Zarif nói: “Nếu bất cứ ai nói về các cuộc đàm phán để đi đến các biện pháp trừng phạt thì đó là không đúng sự thật. Kết quả và kết luận của các cuộc họp nên phải loại bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt và tạo tiền đề cho một cuộc chơi hợp lý hơn cho các bên".
Ngoại trưởng Zarif cũng bác bỏ những bình luận của trưởng đoàn đàm phán Mỹ Wendy Sherman về vấn đề hạt nhân Iran, cho rằng chương trình hạt nhân hòa bình của Iran không cần đến cơ sở làm giàu uranium ngầm dưới lòng đất và kiên cố như tại Fordow hay lò phản ứng nước nặng Arak.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị Wendy Sherman phát biểu trước Thượng viện Mỹ rằng, thỏa thuận hạt nhân ban đầu với Iran là " không hoàn hảo".
Bà Sherman nói: “Nếu chúng ta có thể đàm phán một thỏa thuận toàn diện mà các vị mong muốn và người dân Mỹ mong muốn thì chúng ta cần phải làm điều đó. Nhưng thành thật mà nói, điều đó khó có thể thực hiện được trong thời gian ngắn. Trên thực tế, cố gắng đàm phán một thỏa thuận hạt nhân toàn diện sẽ phải giải quyết tất cả mọi thứ liên quan đến chúng ta. Iran có thể sử dụng thời gian đó để tiến nhanh hơn trong việc phát triển vũ khí hạt nhân và các phương tiện chuyên chở hạt nhân”.
Hiện tại Iran đã ngừng làm giàu uranium đến cấp độ 20% và bắt đầu làm loãng kho hạt nhân của nước này từ ngày 20/1 vừa qua nhằm thực hiện các cam kết theo một thỏa thuận sơ bộ đạt được ngày 24/11 năm ngoái tại Geneva, Thụy Sĩ.
Nước này cũng đã nhận được phần đầu tiên trong khối tài sản bị đóng băng có tổng trị giá 4,2 tỷ USD như là một phần trong thỏa thuận sơ bộ vừa qua. Việc dỡ bỏ phong tỏa các khoản tiền trên được kỳ vọng sẽ đem lại "luồng gió mới" cho nền kinh tế đang khó khăn của Iran. Thỏa thuận đạt được giữa Iran và P5+1 được coi là “một sự kiện lịch sử” với Iran và đối với P5+1 thỏa thuận này là một tiền đề cho việc kềm chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm 5/2, Tổng thống Iran Rowhani cho biết, cơ hội cho một thỏa thuận hạt nhân cuối cùng giữa Iran và nhóm P5+1 đang đến rất gần khi ông tuyên bố đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán cuối cùng. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, cuộc đàm phán này sẽ chỉ thành công nếu “phương Tây chân thực và nghiêm túc”./.