Iran và Ukraine vẫn là chủ đề nóng nhất tại Thượng đỉnh bất thường EU
VOV.VN - Ngày 17/4, hội nghị Thượng đỉnh bất thường của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Brusells, Bỉ. Tại hội nghị kéo dài 2 ngày, các nhà lãnh đạo EU sẽ tìm kiếm sự thống nhất trong cách giải quyết và đối phó với một loạt vấn đề nóng của thế giới nói chung và châu lục nói riêng, như căng thẳng Trung Đông và cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Vừa tới Bỉ, các nhà lãnh đạo châu Âu đã đưa ra một loạt tuyên bố về tình hình bạo lực leo thang ở Trung Đông, lo ngại các màn tấn công trả đũa lẫn nhau từ Israel và Iran, sẽ khiến khu vực thêm phần bất ổn, bên cạnh chiến sự “chưa hồi kết” ở dải Gaza và diễn biến khó lường ở tuyến hàng hải quan trọng qua biển Đỏ.
Để thể hiện tình đoàn kết và xoa dịu Israel, nhiều nhà lãnh đạo EU đã ủng hộ một danh sách trừng phạt mới nhằm vào Iran.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta phải điều chỉnh và mở rộng các lệnh trừng phạt vào Iran. Chúng tôi ủng hộ điều này. Các lệnh trừng phạt nên nhằm vào những đối tượng, thực thể giúp Iran chế tạo tên lửa và máy bay không người lái”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói.
“Chúng tôi đã quyết định áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Đó là một tín hiệu rõ ràng mà chúng tôi muốn gửi đi. Chúng tôi đã có một cuộc tranh luận sôi nổi và chúng tôi cảm thấy điều quan trọng là phải làm mọi cách để cô lập Iran hơn nữa. Ý tưởng là nhằm vào các công ty cần sản xuất máy bay không người lái, tên lửa. Đây là ý tưởng của đa số và chúng ta sẽ có thêm thông tin sau quyết định mà Hội đồng EU đưa ra”, Chủ tịch hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh.
Bỉ thậm chí còn muốn đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố, nhưng Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng cần phải xem xét thêm. Nhà lãnh đạo Đức cũng cho rằng, điều quan trọng hiện nay là Israel phải sử dụng tình hình để củng cố hình ảnh của nước này sau những gì diễn ra ở Gaza, thay vì đáp trả Iran bằng một cuộc tấn công quy mô lớn.
Ngoài những căng thẳng ở Trung Đông, vấn đề hỗ trợ Ukraine cũng là một chủ đề nóng của hội nghị, đặc biệt sau so sánh của Tổng thống Ukraine Zelenskyi ngay tại hội nghị rằng, Israel ở Trung Đông đang được hỗ trợ phòng thủ nhiều hơn Ukraine – một quốc gia giữa lòng châu Âu – đang chịu sức ép lớn trên chiến trường từ Nga. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu thừa nhận, EU cần phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ Ukraine.
“Chúng tôi biết rằng chúng tôi phải làm nhiều hơn những gì chúng tôi đã làm cho đến nay để hỗ trợ Ukraine. Hệ thống phòng không hiện là điều cấp thiết. Đức, nước đã cung cấp hai hệ thống Patriot, đã quyết định cung cấp một hệ thống khác. Điều này trực tiếp có lợi cho Ukraine. Nhưng chúng tôi cũng muốn các nước khác hành động tương tự. Hãy xem trong khả năng nào đó của mình, trong kho vũ khí của mình để giúp Ukraine cải thiện khả năng phòng thủ”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói.
Ngoài 2 vấn đề điểm nóng xung đột căng thẳng bậc nhất hiện nay, EU cũng quan tâm đến tình hình kinh tế của riêng mình – vốn đang trải qua một giai đoạn suy thoái về tăng trưởng. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ tập trung vào việc đề xuất kích cầu kinh tế, có thể bao gồm việc đầu tư vào các ngành công nghiệp tiên tiến, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, cũng như tăng cường hợp tác thương mại quốc tế.