Iran xem xét biện pháp đáp trả trước gọng kìm trừng phạt của Mỹ
VOV.VN - Iran có thể đóng cửa eo biển Hormuz hoặc rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) nhằm trả đũa lệnh trừng phạt của Mỹ.
Căng thẳng trong quan hệ Iran và Mỹ đang đẩy lên một nấc thang mới với việc Mỹ chấm dứt quyền miễn trừ trừng phạt đối với các đối tác mua dầu của Iran nhằm bóp nghẹt nền kinh tế quốc gia Hồi giáo này. Iran tuyên bố đang để ngỏ mọi lựa chọn trong đó có khả năng đóng cửa eo biển Hormuz cũng như giải pháp rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) sẽ là hồi chuông báo động tới toàn cầu.
Eo biển Hormuz. Ảnh: Eutimes. |
Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran, tướng Mohammad Bagheri hôm qua (28/4) cảnh báo, Iran có thể đóng cửa Eo biển Hormuz, tuyến vận tải đường biển mang tính chiến lược, nếu có các hoạt động thù địch gia tăng đối với nước này. Ông Mohammad Bagheri khẳng định, nếu dầu của Iran không được vận chuyển thông qua Eo biển Hormuz, thì khi đó dầu của các nước khác cũng sẽ không được đi qua eo biển này.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm 28/4 cũng cảnh báo, Iran đang cân nhắc nhiều lựa chọn, trong đó có thể sẽ rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT). Ngoại trưởng Iran cũng kêu gọi các nước khác cần hỗ trợ Iran trước vòng vây trừng phạt của Mỹ. “Không ai vui với thực tế rằng Mỹ đang cố gắng áp đặt suy nghĩ của mình đối với phần còn lại của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Pháp hay các đồng minh của Mỹ đều không vui nếu điều này xảy ra. Họ nói rằng sẽ tìm ra cách để đối phó với hành động này của Mỹ. Tuy nhiên làm thế nào bây giờ phụ thuộc vào chính họ”, ông Javad Zarif nói.
Hàng loạt các lựa chọn của Iran đưa ra sau khi Mỹ yêu cầu tất cả các đối tác trong danh sách nhận được quyền miễn trừ ngừng mọi hoạt động trao đổi dầu với Iran trước tháng 5 nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt. Các đối tác bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp. Điều đáng lo ngại là nhiều đối tác trong số 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận được quyền miễn trừ này có khả năng sẽ ủng hộ yêu cầu do có những mối quan hệ ràng buộc với Mỹ.
Trong chuyến thăm Mỹ mới đây, Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhất trí xóa bỏ các hoạt động nhập khẩu dầu của Iran, trong khi Ấn Độ cũng có thể thực hiện theo yêu cầu của Mỹ sau cuộc tổng tuyển cử tại quốc gia này. Giới quan sát cho rằng, đến thời điểm này, chỉ có Trung Quốc – đối tác mua dầu lớn nhất của Iran, có khả năng sẽ bỏ qua các lệnh trừng phạt của Mỹ. Do đó, Iran đang lựa chọn mọi biện pháp cứng rắn nhất để bảo vệ hoạt động xuất khẩu dầu - huyết mạch của nền kinh tế quốc gia Hồi giáo này.
Có nhiều lo ngại về căng thẳng Mỹ-Iran có thể gia tăng khi Iran buộc phải đưa ra biện pháp trả đũa. Với việc đóng cửa eo biển Hormuz sẽ đẩy giá dầu lên mức cao đỉnh điểm, ảnh hưởng đến cả các nước xuất và nhập khẩu dầu. Ngoài ra, nếu Iran dùng các áp lực vào eo biển Hormuz như một biện pháp đáp trả, rất có thể làm gia tăng căng thẳng quân sự trong khu vực. Kuwait hôm qua (28/4) lên tiếng bày tỏ lo ngại về tuyên bố mới nhất của Iran đóng cửa eo biển Hormuz, đồng thời bày tỏ hi vọng tình hình khu vực sẽ không tăng nhiệt.
Trong khi đó, với tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) hậu quả còn đáng lo ngại hơn nhiều. Thực tế đây không phải là lần đầu tiên Iran cảnh báo rút khỏi Hiệp ước này vì những hậu quả nghiêm trọng khiến các bên đều phải cân nhắc. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, nếu bị dồn vào đường cùng và Iran lựa chọn rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, có thể kéo theo việc Iran sẽ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân kí năm 2015 và để mở khả năng tìm kiếm vũ khí hạt nhân. Điều này sẽ làm suy giảm ngay lập tức môi trường an ninh khu vực, cũng như là mồi lửa châm ngòi cho những điểm nóng toàn cầu khác./.