Iraq ấn định thời điểm bầu cử Quốc hội - khởi đầu mới nhiều khó khăn
VOV.VN - Đây được xem là một bước đi “quan trọng” đầu tiên trong việc ổn định đất nước khi mà cuộc chiến chống IS tại Iraq đã kết thúc.
Chính phủ Iraq mới đây đã phê chuẩn thời hạn tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 12/5 tới. Tuy nhiên, sự khởi đầu mới này đã gặp không ít khó khăn bởi một số Đảng phái trong chính quyền Irắc cho thấy bất đồng “rõ rệt” về thời gian bầu cử.
Chính phủ Irắc vừa ấn định thời điểm tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội nước này vào ngày 12/5 tới, dựa theo đề xuất của Đảng Hồi giáo dòng Shiite của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi. Tuy nhiên, trước khi đề xuất này được thông qua, nhiều Đảng phái chính trị Iraq đã lên tiếng phản đối vì cho rằng đó chưa phải thời điểm thích hợp.
Thời điểm tổ chức bầu cử Quốc hội được ấn định dựa theo đề xuất mà Đảng Hồi giáo dòng Shiite của Thủ tướng Haider al-Abadi đưa ra. Ảnh: IBTimes |
Cụ thể, các nghị sĩ người Kurd và dòng Hồi giáo Sunni đã kêu gọi hoãn cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới với lý do hàng trăm nghìn người tị nạn Iraq vẫn chưa thể về nhà sau khi trốn chạy khỏi các cuộc giao tranh “đẫm máu” và tất nhiên là số người này sẽ không thể tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sắp tới.
Một nguyên nhân khác để hoãn bầu cử do nghị sĩ dòng Sunni đưa ra là một số khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh không thể tiến hành tổ chức bầu cử do không đủ điều kiện, như tỉnh Nineveh.
Bà Intisar al-Jubouri – một nghị sĩ dòng Sunni trong quốc hội Irắc cho biết: “Trên thực tế, có rất nhiều khó khăn để tiến hành một cuộc bầu cử tại Iraq. Một số khu vực đã bị thiệt hại nghiêm trọng sau khi được giải phóng, đặc biệt là tỉnh Niveneh. Chúng tôi muốn người dân được trở về nhà trước, sau đó Chính phủ sẽ cung cấp các dịch vụ công thiết yếu và đảm bảo an ninh cho họ trước các mối đe dọa khủng bố tiềm ẩn từ IS. Khi mọi điều trên được hoàn tất, đó là thời điểm thích hợp để diễn ra bầu cử”.
Hơn nữa vấn đề an ninh cho cuộc bầu cử cũng đã được các nghị sĩ Iraq đem ra tranh luận. Một số nghị sĩ cho rằng, vẫn còn các tay súng khủng bố IS đang trà trộn trong dân chúng để chờ cơ hội thực hiện các vụ tấn công khủng bố và cuộc bầu cử là một cơ hội “rõ ràng” khi đám đông thường là các mục tiêu khủng bố.
Tuy nhiên, Đảng Hồi giáo dòng Shiite của Thủ tướng Iraq al-Abadi thì cho rằng, việc trì hoãn trên sẽ là hành động “vi hiến”.
Ông Abbas Al Bayati – một thành viên của Đảng này cho rằng, những lý do trì hoãn bầu cử mà các nghị sĩ người Kurd và dòng Sunni đưa ra chưa phải là lý do chính.
Thủ tướng Iraq tiếp tục tranh cử trong cuộc bầu cử sắp tới
“Chính phủ hoạt động theo Hiến pháp. Và Hiến pháp thì không thể thay đổi. Một khi cuộc bầu cử bị hoãn, ai sẽ lấp đầy khoảng trống điều hành đất nước? Những ai đang muốn trì hoãn cuộc bầu cử chỉ nhằm mục đích tìm kiếm thêm sự ủng hộ từ cử tri. Đó mới là lý do chính”, ông Bayati nói.
Dẫu vậy, Tòa án Liên bang tối cao Iraq tối ngày 22/1, theo giờ địa phương đã chính thức bác bỏ lời kêu gọi của các nghị sĩ người Kurd và dòng Sunni về việc hoãn cuộc bầu cử.
Trước đó, ngày 14/1 vừa qua, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố sẽ nỗ lực hình thành một Khối gồm nhiều phe phái được gọi là “Liên minh chiến thắng”, để chạy đua trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới.
Hiện Thủ tướng Iraq đang chiếm được nhiều “thiện cảm” và sự ủng hộ từ phía người dân khi đã lãnh đạo quốc gia Trung Đông này đi tới chiến thắng trước tổ chức khủng bố IS trong cuộc chiến kéo dài suốt 3 năm. Điều này đã giúp ông và Đảng Shiite Iraq chiếm được nhiều lợi thế trong lần bầu cử sắp tới.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, qua đợt tranh luận về thời điểm tổ chức bầu cử Quốc hội tại Iraq lần này, các Đảng phái chính trị tại quốc gia Trung Đông này cần phải “ngồi lại” với nhau nhiều hơn nữa để giải quyết các bất đồng liên quan đến quyền lợi của các bên./.