Iraq: Một số con tin bị bắt giữ

Chiều 30/10, (theo giờ địa phương), các tay súng không rõ danh tính đã bắt giữ một số con tin, trong đó có linh mục tại 1 nhà thờ ở thủ đô Baghdad, Iraq.

Ngay sau khi vụ bắt cóc xảy ra, lực lượng an ninh Iraq tiến hành giải cứu con tin và cuộc đấu súng quyết liệt giữa hai bên đã diễn ra khiến hàng chục người chết và bị thương.

Các tay súng không rõ danh tính đã chiếm một trong những nhà thờ lớn nhất tại thủ đô Baghdad và bắt giữ hơn 100 tín đồ thiên chúa đang làm lễ cầu nguyện ngày Chủ Nhật. Nhà thờ này đóng tại một quận trung tâm của Baghdad, gần Vùng Xanh, nơi đặt đại sứ quán các nước, các cơ quan Chính phủ Iraq và được bảo vệ rất nghiêm ngặt.

Hiện có rất nhiều nguồn tin khác nhau về con số thương vong. Theo tin từ Bộ Nội vụ Iraq, con số thiệt mạng trong vụ giải cứu con tin này đã lên đến 37 người và 56 người khác bị thương. Trong khi đó, nguồn tin quân đội Mỹ tại Iraq cho biết, có khoảng 10 con tin, 7 nhân viên an ninh Iraq đã thiệt mạng và 7 tên bắt cóc bị tiêu diệt.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Abdul Qader al-Obeidi khẳng định, vụ tấn công mang dấu ấn của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Những kẻ tấn công bị tiêu diệt và lực lượng an ninh đã bắt giữ nhiều kẻ tình nghi, song không cho biết con số cụ thể. Ông al-Obeidi cũng cho biết thêm, một số tay súng không phải người Iraq đòi thả nhiều đối tượng khủng bố tại một số nước A-rập, trong đó có Ai Cập.

Bộ trưởng Quốc phòng Iraq nhấn mạnh: “Tất cả các bằng chứng cho thấy, vụ tấn công này mang dấu ấn của Al-Qaeda. Có thể bọn chúng có những người ủng hộ từ bên trong và điều đó sẽ được cung cấp chi tiết sau quá trình điều tra. Chúng tôi đang tiếp tục thu thập bằng chứng và cũng đề nghị lực lượng Mỹ tại Iraq giúp thu thập thông tin”.

Theo thông tin ban đầu, nhóm vũ trang có tên gọi “Nhà nước Hồi giáo của Iraq”, một nhánh của lực lượng Al-Qaeda đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công này.

Bạo lực đã giảm đáng kể tại Iraq, kể từ sau các vụ tấn công giáo phái đẫm máu xảy ra trong giai đoạn 2006-2007. Tuy nhiên, các vụ tấn công lẫn nhau giữa các tay súng Hồi giáo dòng Sunni, có liên hệ với Al- Qaeda và các tay súng Hồi giáo dòng Shiite vẫn xảy ra hàng ngày.

Giới quan sát cho rằng, việc các nhà lãnh đạo Iraq không đạt được thoả thuận trong việc thành lập Chính phủ mới, đã 8 tháng kể từ ngày tổ chức bầu cử là một trong những nguyên nhân khiến gia tăng căng thẳng và bạo lực tại quốc gia vùng Vịnh này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên