Iraq yêu cầu Mỹ viện trợ hơn 10 tỷ USD để tiếp nhận tù nhân IS
VOV.VN - Iraq đang đàm phán với Mỹ để nhận hơn 10 tỷ USD viện trợ cho việc nhận tàn quân IS từ các trung tâm giam giữ ở Syria.
Chính phủ 2 nước đang đàm phán để chuyển giao và xét xử hàng chục ngàn người nghi là chiến binh IS và gia đình của họ từ các trại giam ở Syria về Iraq. Đồng thời, các quan chức Iraq cũng cần khoản phí lên đến hàng tỷ USD để có thể thu nhận số lượng tù nhân khổng lồ bị bắt giữ trong 5 năm chiến tranh.
Những tù nhân bị nghi là chiến binh Nhà nước Hồi giáo IS đang chờ đợi để được trở về quê hương. Ảnh: Delil Souleiman / AFP / Getty Images |
Tranh cãi xảy ra về việc xử lý thế nào với các thành viên IS, trong đó có hàng ngàn đàn ông, phụ nữ và trẻ em nước ngoài, khi các quan chức Mỹ kêu gọi các đồng minh cùng hợp tác để đưa công dân của họ ra khỏi 2 trại giam chật chội ở phía đông bắc Syria.
Iraq đã yêu cầu Mỹ chi trả 10 tỷ USD, sau đó thêm 1 tỷ USD mỗi năm để nhận những người bị giam giữ. Số tiền khổng lồ này khiến giới chức Washington và London coi đó như lời “từ chối khéo” kế hoạch của Mỹ hơn là đã sẵn sàng tham gia vào một hoạt động chính trị nguy hiểm và nhạy cảm.
Các điều kiện khác của Iraq bao gồm việc cấm các nhà hoạt động nhân quyền đến Iraq hay việc các nước phản đối án tử hình. Điều này hoàn toàn trái với mong muốn của Anh và Pháp bởi họ phản đối việc gửi công dân của mình đến các quốc gia còn áp dụng án tử hình.
Khi được yêu cầu bình luận, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã từ chối trả lời. Các quan chức đương nhiệm và cựu quan chức của Mỹ cho biết chính phủ muốn đảm bảo an toàn cho các đồng minh người Kurd và giảm gánh nặng giam giữ các chiến binh IS trong khi quân đội Mỹ rút khỏi miền bắc Syria.
Một quan chức tình báo khu vực cho biết, kế hoạch đưa các tù nhân không mang quốc tịch Syria ra khỏi biên giới Syria bắt đầu được triển khai sau các cuộc đàm phán song phương giữa Iraq và Syria vào cuối năm 2018. Các cuộc đàm phán này đã bị trì hoãn một phần do mâu thuẫn về nơi có thể chứa tới 35.000 người Iraq hiện được cho là đang ở một trong hai trại giam – trong số đó có ít nhất 2.000 chiến binh.
Việc phải làm gì với ít nhất 20.000 người nước ngoài bị giam giữ ở đông bắc Syria tiếp tục là mối lo lắng của cộng đồng quốc tế. Bởi không quốc gia nào muốn tiếp nhận lại công dân đã từng tham gia tổ chức khủng bố IS và chỉ một số ít sẵn sàng nhận nuôi những trẻ em sinh ra trong Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Pháp gần đây cũng đã gửi các quan chức đến nhận 5 đứa trẻ có cha mẹ người Pháp bị giết hoặc bị giam giữ. Tuy nhiên chỉ một số ít những đứa trẻ được đưa trở về quê hương.
“Việc đưa các tù nhân về Iraq sẽ là một lựa chọn tốt nếu các điều khoản được thỏa thuận song tôi e rằng đây sẽ là một cuộc đàm phán khó khăn. Đây cần được xem là vấn đề toàn cầu bởi hàng chục ngàn chiến binh và gia đình nước ngoài đang phải sống trong các trại giam chật chội. Vấn đề này có thể trở nên tồi tệ hơn khi Mỹ rút quân. Hiện nay có một khoảng cách lớn giữa tình hình thực tế và các mục tiêu đã đề ra cùng các nguồn lực được dành cho việc đạt được các mục tiêu đó. Điều này có nghĩa là rủi ro đang tăng lên hàng tuần. Tôi khuyến khích liên minh làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ vì nguồn lực từ Washington sẽ khá hạn chế”, Brett McGurk, cựu đặc phái viên Tổng thống Mỹ trong liên minh toàn cầu chống IS cho hay.
Việc chăm sóc 3500 trẻ em sinh ra trong các gia đình có liên quan tới IS tại các trại giam giữ Syria vẫn gặp nhiều khó khăn bởi những lo ngại về vấn đề an ninh. Hàng trăm phụ nữ nói rằng họ bị ép buộc tham gia và không thể rời khỏi nhóm khủng bố. Rất khó xác minh lời khai của họ, tuy nhiên có rất ít yếu tố chính trị đằng sau những nỗ lực hồi hương của họ./.
Cảnh hoang tàn, chết chóc tại thành trì cuối cùng của khủng bố IS