Israel tìm ra phương pháp tích trữ năng lượng Mặt Trời vào ban đêm
VOV.VN - Mặt trời chính là một nguồn năng lượng sạch và bền vững, có thể cung cấp năng lượng cho toàn bộ trái đất sử dụng trong nhiều năm.
Phát triển năng lượng mặt trời được nhiều quốc gia quan tâm đầu tư và dần trở nên phổ biến, tuy nhiên, rào cản của nguồn năng lượng này là việc tích trữ, trong khi các tấm quang năng (hay còn gọi là pin) có hạn sử dụng và gây ra những vấn đề về môi trường. Trước thực tế như vậy, các nhà khoa học Israel đã tìm ra phương pháp tích trữ năng lượng mặt trời vào ban đêm, hứa hẹn một giải pháp bền vững.
Phía Nam Israel có một sa mạc nhiều đá, nơi các tấm pin Mặt Trời gần như là nguồn cung cấp năng lượng chính. Nhưng sau hoàng hôn, khu vực này lại tìm đến nhiên liệu hóa thạch để tạo năng lượng. Ngoại trừ ở Kibbutz Yahel, một cộng đồng nhỏ cách không xa Biển Đỏ, ở đó, một công nghệ mới đã bắt đầu lưu trữ năng lượng mặt trời và sản xuất điện vào ban đêm…
Vào ban ngày, năng lượng dư thừa từ các tấm pin mặt trời sẽ được chuyển xuống một hệ thống, nơi nước được sử dụng để cô đặc không khí và lưu lại trong các thùng chứa dưới lòng đất. Sau khi Mặt Trời lặn, không khí được “thả” ra giúp các turbine tạo ra điện. Chu trình này được lặp đi lặp lại như vậy, đồng nghĩa với nguồn điện từ năng lượng mặt trời không hề bị lãng phí. Công nghệ này có tên gọi “AirBattery” do công ty Augwind Energy (Israel) phát triển.
Tổng giám đốc điều hành công ty, ông Or Yogev cho biết: "Đây là dự án lưu trữ năng lượng đầu tiên được thực hiện trên thế giới, chỉ chứa nước và không khí. Điện đang được lưu trữ dưới dạng khí nén trong các bể chứa ngầm đặt dưới lòng đất."
Không giống như các hệ thống trên mặt đất hoạt động với không khí cô đặc và cần diện tích đáng kể, sản phẩm của Augwind Energy lại chỉ yêu cầu các thùng thép mỏng với lớp lót polymer đặc biệt, được lắp đặt ngay tại nguồn năng lượng với giá rẻ hơn. Trong khi đó, công nghệ “AirBattery” đạt hiệu quả 80% trong tích trữ năng lượng.
Nhà khoa học Gideon Friedman, tại Bộ Năng lượng Israel nhận định công nghệ này có nhiều ưu điểm hơn các tấm pin trữ năng lượng.
"Bảo quản năng lượng bằng pin có một số nhược điểm. Vật liệu khá độc hại nên chúng ta không thể vứt bỏ chúng dễ dàng, chúng có thời gian sử dụng ngắn, nghĩa là khoảng từ 5 đến 10 năm là phải thay thế. Ngoài ra, một số nguyên liệu để làm ra tấm pin cũng có khả năng thiếu hụt. Hệ thống của Augwind không có những nhược điểm này. Nó hoàn toàn không độc hại và nó có thể chạy hàng nghìn chu kỳ với độ suy giảm không đáng kể"
Ngoài những ưu điểm về tính bền vững, hệ thống AirBattery còn có chi phí khá cạnh tranh, ngang bằng với pin, hiện ở mức khoảng 250 USD / kilowatt giờ và sẽ giảm vào năm sau xuống dưới 200 USD khi công ty sản xuất nhiều hơn. Cho đến nay, công ty Augwind Energy đã huy động được 60 triệu đô la từ các nhà đầu tư tổ chức.
Thế giới đang tìm cách loại bỏ các nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhưng sẽ khó có thể dựa hoàn toàn vào các nguồn tái tạo nếu không có giải pháp lưu trữ năng lượng. Vì thế, sáng kiến của công ty Augwind Energy có thể mở ra thị trường tiềm năng cho hiện tại và trong tương lai./.