Italy và EU bất đồng trong việc giải quyết vấn đề người di cư
VOV.VN - Italy từ chối tiếp nhận người di cư trên con tàu Diciotti khiến cho quan hệ giữa Italy và các thành viên của khối căng thẳng.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) ngày 25/8 kêu gọi các thành viên Liên minh châu Âu khẩn trương tiếp nhận khẩn cấp những người di cư đang bị giữ trên tàu Diciotti của lực lượng bảo vệ bờ biển Italy ở đảo Sicily. Động thái này diễn ra sau khi Italy từ chối tiếp nhận người di cư trên con tàu Diciotti khiến cho quan hệ giữa Italy và các thành viên của khối căng thẳng.
Người tị nạn trên tàu Diciotti. (Ảnh: Reuters)
UNHCR hối thúc các quốc gia thành viên EU khẩn trương cung cấp chỗ ở cho những người di cư được lực lượng bảo vệ bờ biển Italy giải cứu nhưng hiện đang bị giữ trên tàu Diciotti.
Lời kêu gọi của UNHCR được đưa ra trong bối cảnh Phó Thủ tướng Italy Luigi Di Maio ra "tối hậu thư" EU phải có giải pháp phân bổ số người di cư trên tàu Diciotti, nếu không Italy sẽ đình chỉ đóng góp tài chính cho EU vào năm tới. Ông Maio cũng cảnh báo, ông không cho phép người di cư được rời khỏi tàu chừng nào có được sự đảm bảo rằng những người di cư này được đưa đến một nơi khác, và có sự can thiệp của EU.
“Tôi nhắc lại rằng Italy đã đón nhận hơn 700.000 người người nhập cư trong vài năm qua. Như thế là quá đủ” – ông Maio nhấn mạnh. “Việc tiếp nhận người tỵ nạn nên chia sẻ cho các thành viên khác của EU. Italy không thể mãi là trại tỵ nạn tiếp nhận người di cư của châu Âu”.
Tuy nhiên, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) đã bác bỏ "tối hậu thư" của Italy và cho biết châu Âu vẫn đang tiếp tục "làm việc tích cực để giải quyết vấn đề" và tình hình những người di cư trên tàu Diciotti vốn không có tiến triển sau cuộc họp về vấn đề di cư giữa các quan chức ngoại giao cấp cao từ 12 nước EU ngày 24/8.
“Việc tìm kiếm một giải pháp cho những người di cư trên tàu Diciotti là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi” - Ông Winterstein, người phát ngôn của Uỷ ban châu Âu nói. “Đó là những gì chúng tôi đang tập trung và đó cũng là những gì chúng tôi nghĩ rằng những người khác nên tập trung giải quyết. Chúng tôi cho rằng, những bình luận không mang tính xây dựng hay đe dọa sẽ không giúp giải quyết tình hình.
“Liên minh châu Âu là một cộng đồng có quy tắc và hoạt động dựa trên những quy tắc chứ không phải là trên những lời đe dọa” – ông Winterstein nhấn mạnh.
Như vậy, hơn một tuần sau khi tàu Diciotti giải cứu 190 người di cư trên biển Địa Trung Hải trong hai ngày 15-16/8, hiện 150 người di cư (tất cả đều là người lớn) đang bị giữ trên tàu Diciotti.
Italy đã gợi ý rằng Malta nên tiếp nhận số lượng người tị nạn và di cư này, vì lập luận rằng số người này được giải cứu trên vùng biển của Malta. Nhưng Malta đã từ chối, tuyên bố rằng số người di cư này mong muốn được đến Italy và họ từ chối sự giúp đỡ của chính phủ Malta.
Tuy nhiên, 13 người di cư trên chuyến tàu đã khẳng định chính phủ Malta đã đưa họ ra khỏi vùng tìm kiếm và cứu nạn của quốc gia. Điều này khiến Italy tức giận và chưa cho phép những người di cư này lên bờ. Những người tị nạn và di cư trên đang rất hoang mang vì không biết số phận sẽ đi đâu và về đâu.
Quan điểm cứng rắn trên của Italy đã thổi bùng tranh cãi giữa các nước thành viên EU, cho thấy liên mình này vẫn chưa thể tìm ra một cách tiếp cận chung đối với vấn đề người di cư Trong những tháng gần đây, nhiều tàu thuyền chở người di cư xuất phát từ các bờ biển ở Bắc Phi tới châu Âu đã cầu cứu giới chức Malta hoặc Italy, và hai quốc gia này đã miễn cưỡng tiếp nhận một số trường hợp.
Theo thống kê đã có hơn 700.000 người di cư đặt chân lên các bờ biển của Italy kể từ khi bùng nổ làn sóng di cư ồ ạt sang châu Âu vào năm 2013. Căn cứ quy định của EU, người di cư phải xin cấp quy chế tị nạn tại quốc gia châu Âu đầu tiên họ đặt chân tới.
Tuy nhiên, quy định này đã tạo áp lực đối với Italy và Hy Lạp bởi đây là những điểm cửa ngõ mà hàng trăm nghìn người di cư tìm đến đầu tiên sau khi trốn chạy khỏi nội chiến và nghèo đói tại Trung Đông, Bắc Phi và nhiều khu vực khác./. Ảnh: Cuộc sống vạ vật của hàng trăm người tị nạn ở Tây Ban Nha
Áo đề xuất EU thay đổi mô hình tị nạn của khối