Kế hoạch sáp nhập Bờ Tây của Israel “rối bời” cả trong lẫn ngoài
VOV.VN - Do dịch Covid-19 cũng như bất đồng trong nội bộ chính phủ, kế hoạch sáp nhập Bờ Tây của Israel chưa thể khởi động như dự kiến vào 1/7.
Phát biểu tại một cuộc họp với các nghị sĩ Quốc hội là thành viên của đảng Likud hôm qua (29/6), Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết, Israel sẽ chưa bắt đầu thực hiện sáp nhập một số khu vực chiếm đóng tại Bờ Tây từ ngày mai giống với những gì ông đã thông báo trước đó.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Ảnh: Al Arabya |
Thủ tướng Netanyahu nêu rõ, ông đang có liên hệ tích cực và tham vấn với giới chức Mỹ về vấn đề này, đồng thời thừa nhận, đây là một quá trình phức tạp, cần nhiều sự cân nhắc về ngoại giao và an ninh.
Dẫu vậy, Thủ tướng Israel khẳng định việc sáp nhập không phụ thuộc vào đảng Xanh - Trắng – bên còn lại trong Chính phủ liên minh cầm quyền. Theo Thủ tướng Netanyahu, các đối tác liên minh trong đảng Xanh - Trắng “không phải là một nhân tố” trong việc có hay không thúc đẩy sáp nhập tại Bờ Tây như kế hoạch.
Tuyên bố này nhằm đáp trả ý kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz – lãnh đạo Đảng Xanh – Trắng được đưa ra trước đó cùng ngày. Ông Benny Gantz cho rằng, giờ chưa phải là thời điểm sáp nhập lãnh thổ và vấn đề cần yêu tiên nhất chính là việc chống lại đại dịch Covid-19 – vốn đang được cảnh báo sẽ làn sóng bùng phát thứ 2 tại Israel; cũng như việc khắc phục hậu quả kinh tế do dịch bệnh gây ra.
Ông Benny Gantz cho rằng, kế hoạch của Thủ tướng Netanyahu chuẩn bị thôn tính khu Bờ Tây sẽ phải hoãn lại do cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 đang diễn ra ở nước này. Ông Benny Gantz nhấn mạnh, bất cứ vấn đề gì không liên quan đến cuộc chiến chống Covid-19 đều sẽ phải chờ xử lý.
Phát biểu trên được ông Gantz đưa ra trong thời gian diễn ra chuyến thăm Israel của Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về tiến trình hòa bình Trung Đông Avi Berkowitz khiến sứ mệnh của quan chức này thêm phần phức tạp, đồng thời cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ chính phủ liên minh của Israel.
Theo giới quan sát, Mỹ đang cân nhắc ủng hộ sáp nhập chỉ một số khu định cư Do Thái gần với Jerusalem hay không, do quan ngại các hệ quả có thể xảy ra sau khi cho phép Israel thực hiện kế hoạch thôn tính này.
Thời gian qua, Palestine đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đẩy mạnh sức ép để ngăn chặn kế hoạch sáp nhập lãnh thổ chiếm đóng. Trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mới đây, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Israel từ bỏ kế hoạch sáp nhập này.
“Việc Israel có ý định sát nhập các khu vực thuộc Bờ Tây là mối đe dọa cho người Palestine, cả người Israel và cộng đồng quốc tế. Nếu được thực thi, đây sẽ là động thái vi phạm nghiêm trọng nhất luật pháp quốc tế, gây tổn hại đến triển vọng của một giải pháp hai nhà nước và làm suy giảm khả năng nối lại đàm phán. Tôi kêu gọi Chính phủ Israel từ bỏ kế hoạch này”, ông Guterres nói.
Ngoại trưởng Palestine Riyad Al-Maliki luôn lên án ý định sáp nhập lãnh thổ bất hợp pháp của Israel, chỉ trích Israel phớt lờ các cảnh báo của cộng đồng quốc tế.
“Israel dường như đang phớt lờ những cảnh báo của cộng đồng quốc tế. Họ đang nghĩ, giống như các lần trước, họ sẽ không bị trừng phạt. Họ nghĩ rằng, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an chỉ dành cho các nước khác, các phiên tòa quốc tế và biện pháp trừng phạt không dành cho họ. Họ được thiên vị và không bị truy tố trách nhiệm. Các hành động phi pháp họ đang coi là hiển nhiên”.
Giới chức Palestine kêu gọi Liên minh châu Âu nên áp trừng phạt Israel nếu nước này phớt lờ luật pháp quốc tế. Trong khi thế giới Arab cũng đã lên tiếng ủng hộ “tuyệt đối” với Palestine trong vấn đề lãnh thổ.
Hai ngày trước, Jordan – một trong hai quốc gia Arab duy nhất thiết lập quan hệ với Israel tuyên bố nước này sẽ không chấp nhận việc sáp nhập - dù chỉ là hạn chế - tại Bờ Tây và sẽ đáp trả thích đáng. Truyền thông khu vực đưa tin, Jordan có thể sẽ hủy bỏ hoặc hạ cấp hiệp định hòa bình ký năm 1994 với Israel nếu việc sáp nhập diễn ra và Vua Abdullah của Jordan hiện đã từ chối nhận các cuộc gọi từ Thủ tướng Israel B.Netanyahu./.