Khe cửa hẹp cho Snowden
(VOV) -Một loạt nước mà Snowden xin tỵ nạn tuyên bố chỉ xem xét đơn tỵ nạn khi anh ta đặt chân lên các nước này.
Một loạt nước mà cựu nhân viên Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden xin tỵ nạn như Áo, Phần Lan, Ireland, Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, tuyên bố chỉ xem xét đơn tỵ nạn khi anh đặt chân lên các nước này. Còn Đức, Ba lan, Ấn Độ và Brazil tuyên bố bác đơn xin tỵ nạn của Snowden. Với những diễn biến như vậy, Snowden sẽ phải lưu lại sân bay Sheremetyevo của Nga thêm một thời gian dài nữa và điểm đến tiếp theo của anh vẫn là điều bí ẩn.
Hôm 3/7, Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich cho biết, Snowden không đủ điều kiện để xin tỵ nạn tại Đức: “Một yêu cầu xin tỵ nạn về nguyên tắc chỉ được xem xét khi người đó đang ở trong nước xin tỵ nạn. Người xin tỵ nạn tại Đức chỉ được xem xét nếu liên quan đến vấn đề nhân đạo. Tôi nghĩ Snowden không nằm trong trường hợp này”.
Nhiều nước từ chối yêu cầu xin tị nạn của Snowden (Ảnh: KT) |
Trước đó, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã xác nhận từ chối yêu cầu xin tị nạn của Snowden: “Tôi đã nhận được thông tin từ Bộ Ngoại giao rằng, Snowden xin tỵ nạn tại Ba Lan và một số nước khác. Tuy nhiên, Ba Lan sẽ không cấp quyền tỵ nạn cho anh ta”.
Snowden, đang ở sân bay Moscow của Nga gửi đơn xin tỵ nạn cho 21 nước. Tuy nhiên, với việc nhiều nước bác đơn xin tỵ nạn, cơ hội cho Snowden thoát khỏi tình cảnh bị chôn chân 1 chỗ đang giảm dần. Trước đó, Snowden đã xin tỵ nạn tại Nga, nhưng sau đó đã rút đơn sau khi Tổng thống Nga Putin nói rằng, Nga sẵn sàng cho Snowden nơi ẩn náu với điều kiện anh ngừng tiết lộ các bí mật của Mỹ.
Trong lúc đó, với Ecuado, sau những cam kết ủng hộ ban đầu, giờ đây Tổng thống Rafael Correa “lật kèo” khi cho rằng, giấy thông hành cấp cho Snowden “không đúng thẩm quyền”. Thay vào đó, ông Correa đá “quả bóng” về phía Nga với tuyên bố, người tiết lộ thông tin mật của Mỹ là vấn đề của Moscow. “Nếu Snowden có thể hoàn thành đề nghị tị nạn trên lãnh thổ Nga thì tình huống có thể được xử lý và giải quyết ở đó”.
Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng khẳng định Paris không nhận được đề nghị tỵ nạn của Snowden. Pháp thường tự hào cho rằng, nước này là “thiên đường” của các tù nhân chính trị và đề nghị tị nạn cho nhiều người hơn bất kỳ nước nào khác, ngoại trừ Mỹ. Tuy nhiên, Paris có thể không hành động như vậy với Snowden bởi Pháp xem Mỹ là đồng minh then chốt.
Giới quan sát cho rằng, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, người đã có cuộc gặp ngày 2/7 tại Moscow với Tổng thống Nga Putin, có thể là nhân vật nắm giữ chìa khóa cánh cửa tị nạn rộng mở nhất đối với Snowden.
Trong khi ngày càng có nhiều quốc gia từ chối cấp quyền tị nạn cho Snowden, Tổng thống Maduro nói rằng Venezuela hiện vẫn chưa nhận được đơn xin tị nạn của Snowden và từ chối trả lời câu hỏi liệu ông có đưa nhân vật này theo khi rời Nga trở về nước hay không.
Tuy nhiên, ông Maduro đã lên tiếng bảo vệ Snowden khi cho rằng, những gì Snowden làm chỉ đơn giản là nói lên sự thật nhằm ngăn chặn các cuộc chiến tranh và anh xứng đáng được bảo vệ theo luật pháp quốc tế và nhân quyền./.