Khóa họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc: Thiện chí hòa giải và đoàn kết
VOV.VN - Khóa họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc những năm vừa qua thường là diễn đàn để các cường quốc công kích lẫn nhau về một loạt các vấn đề từ chính trị đến biến đổi khí hậu. Nhưng năm nay, không khí lại thiên về hòa giải và đoàn kết.
Diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với hàng loạt thách thức mới nổi lên, những thông điệp hòa giải, đoàn kết và chia sẻ nhân văn truyền tải tại hội nghị năm nay mang lại những hy vọng về sự đoàn kết của thế giới.
Trong nhiều năm qua, trụ sở của Liên Hợp Quốc đã biến thành “sàn lửa giận giữ” để các nhà lãnh đạo Mỹ Trung công kích lẫn nhau.
Tuy nhiên trong bài phát biểu năm nay, với khẳng định “bắt đầu một thập kỷ ngoại giao không ngừng nghỉ”, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Mỹ không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc: “Mỹ sẽ cạnh tranh mạnh mẽ. Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ đồng minh và các đối tác, đồng thời chống lại những nỗ lực của các nước mạnh hơn nhằm thống trị các nước yếu hơn. Tuy nhiên Mỹ không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh mới hay chia cắt thế giới thành các khối cứng nhắc. Mỹ sẵn sàng làm việc với bất kỳ quốc gia nào, ủng hộ và theo đuổi một giải pháp hòa bình để chia sẻ những thách thức, ngay cả khi chúng ta có những bất đồng gay gắt trong các lĩnh vực khác”.
Trong bài phát biểu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới giải quyết những khác biệt và bất đồng thông qua "đối thoại và hợp tác”. Mặc dù không chứa đựng thông điệp hòa giải mạnh mẽ nhưng các bài phát biểu, được đánh giá ôn hòa hơn so với mọi năm, cũng là nỗ lực của cả hai nước không muốn lôi kéo thế giới tập trung vào những căng thẳng song phương giữa hàng loạt các thách thức chung khác. Những thông điệp hòa giải tích cực khác cũng được lãnh đạo các quốc gia đưa ra. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi các bên tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
“Hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên luôn bắt đầu bằng đối thoại và hợp tác. Tôi kêu gọi nhanh chóng nối lại đối thoại giữa hai miền bán đảo Triều Tiên và giữa Mỹ và Triều Tiên. Tôi hy vọng rằng bán đảo Triều Tiên sẽ chứng minh sức mạnh của đối thoại và hợp tác trong việc thúc đẩy hòa bình. Tuyên bố kết thúc chiến tranh sẽ đánh dấu một điểm khởi đầu quan trọng trong việc tạo ra một trật tự mới 'hòa giải và hợp tác' trên bán đảo Triều Tiên”.
Ngoài các vấn đề ngoại giao chính trị, điểm sáng tại các cuộc họp Liên Hợp Quốc trong những ngày qua là tinh thần chia sẻ nhân văn giúp thế giới vượt qua đại dịch. Nhiều cam kết hỗ trợ vaccine được các nước đưa ra, dẫn đầu là Mỹ với công bố viện trợ thêm 500 triệu liều vaccine cho các nước thu nhập thấp và trung bình, hỗ trợ 370 triệu USD cho các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng khẳng định sẽ cung cấp khoảng 2 tỷ liều vaccine cho thế giới từ nay tới cuối năm. Hàng loạt các cuộc gặp song phương diễn ra bên lề hội nghị với các cam kết hỗ trợ, chia sẻ vaccine song phương. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng đạt được đồng thuận cao với thông điệp “cần phải hành động trước khi quá muộn”.
Thế giới đang đối mặt với hàng loạt các thách thức như Covid-19, biến đổi khí hậu, nguy cơ một cuộc chiến tranh lạnh mới.... Tuy nhiên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres khẳng định, những thách thức này hoàn toàn có thể hóa giải được nếu các nước thành viên cùng đoàn kết, hợp tác trên tinh thần của chủ nghĩa đa phương: “Thế giới phải thức tỉnh. Chúng ta đang đứng trên bờ vực thẳm và đi sai hướng. Để khôi phục niềm tin và khơi dậy hy vọng, chúng ta cần hợp tác, đối thoại và thấu hiểu"./.