Không muốn “hy sinh một mình”, Thổ Nhĩ Kỳ đòi NATO hỗ trợ thêm ở Syria
VOV.VN - Nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm kiếm "sự ủng hộ cụ thể từ tất cả đồng minh”, Tổng thống Erdogan đã yêu cầu NATO hỗ trợ thêm ở Syria.
Ngày 8/3, chỉ 3 ngày sau khi Nga dàn xếp một lệnh ngừng bắn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tại tỉnh Idlib, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã đe dọa sẽ hành động đơn phương nếu lệnh ngừng bắn không được thực hiện.
Ankara đã yêu cầu NATO hỗ trợ thêm nhằm giúp nước này bảo vệ biên giới với Syria, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thông báo.
Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu NATO hỗ trợ thêm nhằm giúp nước này bảo vệ biên giới với Syria. Ảnh: AP |
"Chúng tôi đã yêu cầu thêm sự hỗ trợ của NATO về tình hình Syria nhằm bảo vệ biên giới với nước này và đối phó với thách thức từ dòng người di cư", Tổng thống Erdogan phát biểu với báo giới ngày 9/3.
Nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm kiếm "sự ủng hộ cụ thể từ tất cả đồng minh của chúng tôi trong cuộc chiến này", Tổng thống Erdogan nhận định Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia NATO duy nhất đã đối phó với "các mối đe dọa" ở Syria, trong đó có Tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) trong suốt 9 năm và chịu nhiều tổn thất về lực lượng.
"Tình hình ở Syria đang đe dọa đến châu Âu. Không có quốc gia nào ở châu Âu có quyền xem nhẹ tình hình nhân đạo ở Syria", ông Erdogan khẳng định.
Về phần mình, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã chỉ ra "thách thức chung" của tình trạng di cư và người tị nạn dọc biên giới Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho biết vấn đề này yêu cầu "các giải pháp chung".
"Vì thế, tôi hoan nghênh các cuộc đối thoại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu cũng như tin tưởng rằng giải pháp cho vấn đề này sẽ được tìm ra. NATO sẽ tiếp tục vai trò của mình", ông Stoltenberg cho biết, đồng thời khẳng định "các đồng mình đã chuẩn bị sẵn sàng để tiếp tục ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ và chúng tôi đang xem xem liệu có thể làm được nhiều hơn thế hay không".
Trước đó, hôm 8/3, ông Erdogan đã kêu gọi Hy Lạp "mở cửa" cho người di cư, đồng thời đề xuất quốc gia này nên "để họ vào những quốc gia châu Âu khác" và "thoát khỏi gánh nặng này".
Ngày 9/3, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không nên sử dụng vấn đề người di cư như "một quân bài mặc cả chính trị" với các nước châu Âu trước thềm cuộc gặp với các quan chức EU.
Hàng chục nghìn người di cư đã đổ về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp cuối tháng trước sau khi Ankara thông báo sẽ mở cửa biên giới với EU giữa bối cảnh giao tranh tiếp diễn ở Idlib, Syria. Tuần trước, Tổng thống Erdogan đã cảnh báo ông sẽ cho phép "h
àng triệu người tị nạn" di chuyển về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với EU khi mà "giai đoạn Thổ Nhĩ Kỳ đơn phương hy sinh về vấn đề người tị nạn đã chấm dứt".
Ngày 8/3, ông Erdogan cũng cảnh báo Nga và Syria rằng "nếu các cam kết đưa ra về lệnh ngừng bắn gần đây không được thực hiện, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ "dùng các phương pháp riêng của mình".
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí lệnh ngừng bắn giữa lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội Syria ở tỉnh Idlib sau các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow ngày 5/3.
Lệnh ngừng bắn đi vào hiệu lực ngày 6/3, bao gồm 1 thỏa thuận về việc tuần tra chung trên tuyến đường chiến lược M4 và hành lanh an ninh 12km dọc theo con đường này.
Quân đội Syria bắt đầu chiến dịch ở Idlib vào cuối năm 2019 sau khi nhiều mục tiêu của lực lượng này bị phe đối lập tấn công. Ngày 27/2, sau một cuộc tấn công của Syria nhằm vào các mục tiêu của phe đối lập khiến 33 binh lính Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng, Ankara đã tiến hành "Chiến dịch Lá chắn mùa xuân" nhằm đẩy lùi lực lượng Syria và khiến quân đội của Tổng thống Assad tổn thất một phần lực lượng trong các cuộc giao tranh này.
Idlib hiện là thành trì cuối cùng của 3 triệu dân thường và hàng chục nghìn tay súng đối lập khi mà chính phủ của Tổng thống Assad vẫn chưa giành lại được khu vực này./.