Khu ổ chuột Ấn Độ có thể đã có miễn dịch cộng đồng với Covid-19
VOV.VN - Một nghiên cứu mới đây cho thấy, cứ 10 người sống ở các khu ổ chuột lớn nhất Mumbai thì có 6 người có kháng thể virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19.
Khoảng 6 trong số 10 người sống ở các khu ổ chuột lớn nhất Ấn Độ đã có kháng thể đối với virus SARS-CoV-2, cho thấy họ đã khỏi bệnh Covid-19. Đây có lẽ là một trong những cộng đồng miễn dịch lớn nhất được biết đến trên thế giới.
Đây là kết quả của một cuộc khảo sát huyết thanh học tháng 7/2020 trên 6.936 người ở 3 khu vực ngoại ô Mumbai và điều này có thể lý giải vì sao các khu ổ chuột có mật độ dân cư dày đặc này lại chỉ ghi nhận số ca bệnh tăng “nhỏ giọt” trong khi số ca mới trên cả nước lại tăng tới mức chóng mặt.
“Các khu ổ chuột Mumbai có thể đã đạt được miễn dịch cộng đồng. Nếu người dân ở Mumbai muốn có một nơi an toàn để tránh bị lây nhiễm bệnh, họ có thể tới đó”, theo ông Jayaprakash Muliyil, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn Khoa học của Viện dịch tễ quốc gia, đồng thời là Hiệu trưởng nghỉ hưu của một trường đại học y khoa Ấn Độ.
Phát hiện này cho rằng, bất chấp các nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan, những nơi nghèo nhất ở Mumbai đã theo đuổi một cách không chủ đích chiến lược miễn dịch cộng đồng gây tranh cãi.
Khoảng 57% số người được khảo sát ở các khu ổ chuột Dahisar, Chembur và Matunga đã có kháng thể trong máu, so với 21,2% được tìm thấy trong một nghiên cứu hồi tháng 4 ở thành phố New York (Mỹ) và 14% ở Stockholm (Thụy Điển) hồi tháng 5/2020.
Thụy Điển bị chỉ trích vì chiến lược miễn dịch cộng đồng. Nhiều người cho rằng chiến lược này khiến số người tử vong vì Covid-19 ở Thụy Điển cao hơn các nước láng giềng áp dụng biện pháp phong tỏa.
Nhiều người từng dự đoán các khu ổ chuột của Mumbai giống như “quả bom nổ chậm” trong đại dịch Covid-19 do việc thực hiện giãn cách xã hội nói chung gần như là bất khả thi.
Dharavi, khu ổ chuột lớn nhất Ấn Độ, có khoảng 1 triệu người sinh sống. Mật độ dân cư ở đây lên tới 277.136 người/km2. Khoảng 80 người thường xuyên dùng chung 1 nhà vệ sinh công cộng và các gia đình 8 người thường sống chen chân trong căn nhà lụp xụp chưa đến 10m2.
Dù vậy, các khu ổ chuột vẫn chỉ ghi nhận số ca bệnh tăng “nhỏ giọt” trong những tuần gần đây kể từ sau ca khi bệnh đầu tiên được phát hiện hồi tháng 4/2020, trong khi số ca bệnh trong ngày trên phạm vi cả mước Ấn Độ đang gia tăng ở mức nhanh nhất trên thế giới.
Tới nay khu ổ chuột Dharavi mới chỉ ghi nhận 253 ca tử vong do Covid-19./.