Khủng hoảng di cư toàn cầu chưa bao giờ hạ nhiệt
VOV.VN - Trong tuần qua, Tổ chức Di cư Quốc tế công bố báo cáo cho biết, hơn 50.000 người di cư đã chết khi tìm kiếm cuộc sống tốt hơn. Thực tế cho thấy, cuộc khủng hoảng di cư, không chỉ ở châu Âu và khắp các tuyến di cư vẫn chưa bao gờ hạ nhiệt.
Vấn đề di cư nóng trở lại trong tháng này khi Pháp và Italia tranh cãi về việc Pháp chấp nhận tàu Ocean Viking chở 234 người di cư được cứu sống mà Italy đã từ chối.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế chung trên toàn EU để giải quyết vấn đề di cư, Bộ trưởng Di cư Hy Lạp Notis Mitarachi cho biết: “Chúng ta đã bàn quá lâu về một giải pháp của châu Âu cho cuộc khủng hoảng di cư. Đã đến lúc đưa ra các giải pháp, hành động và kết quả. Đề xuất từ Ủy ban châu Âu ngày hôm nay rõ ràng đang đi đúng hướng. Chúng ta cần tìm giải pháp cho tuyến đường trung tâm Địa Trung Hải .Nhưng chúng ta cũng cần đảm bảo rằng tuyên bố chung EU-Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016 được các đối tác thực hiện”.
“Chúng tôi cũng hy vọng vào kết quả tốt đẹp và chúng tôi cũng hy vọng vào con đường chung phía trước vì tình hình di cư ngày nay là chủ đề của mọi quốc gia trong toàn EU. Chúng tôi cũng muốn mở cuộc tranh luận cho tất cả các quốc gia và chúng tôi muốn nói về tất cả các tuyến đường di cư”, Bộ trưởng Nội vụ Séc Vit Rakusan nói.
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Di cư Quốc tế, các tuyến di cư vào châu Âu là chết chóc nhất, chiếm hơn một nửa trong số 50.000 người di cư thiệt mạng trên thế giới kể từ năm 2014, Ít nhất 16.032 người được ghi nhận mất tích trên biển, trong đó tuyến đường Địa Trung Hải là nguy hiểm nhất.
Tiếp theo là tuyến di cư bất hợp pháp sang Tây Âu thông qua ngả Tây Balkan. Serbia mới đây đã nhất trí với Hungary và Áo triển khai thêm các cuộc tuần tra chung của cảnh sát dọc theo biên giới phía nam của nước này và điều chỉnh các chính sách thị thực phù hợp với chính sách của Liên minh châu Âu để ngăn chặn dòng người di cư qua tuyến này. Ngoài ra, kỷ lục hơn 40.000 người di cư đã vượt eo biển Manche vào Anh trong năm nay.
Anh đang tìm cách đạt được thỏa thuận mới với Pháp trong nỗ lực ngăn chặn dòng người di cư trái phép. Anh sẵn sàng trả thêm 91 triệu Euro cho Pháp để tăng chi viện cho cảnh sát trên các bãi biển của Pháp, trong khi đặc vụ Anh sẽ được tiếp cận các trung tâm kiểm soát người di cư của Pháp.
Tân thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết: “Các cuộc trò chuyện của tôi với Tổng thống Pháp Macron đã giúp chúng tôi ký kết một thỏa thuận mới với người Pháp để giúp chúng tôi kiểm soát tốt hơn eo biển Măng-sơ. Tôi nghĩ ưu tiên cấp bách nhất hiện nay là giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp và đó là điều tôi quyết tâm khắc phục”.
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, hơn 50.000 người di cư trên thế giới trong năm nay đã chết khi tìm kiếm cuộc sống tốt hơn. Đây là 1 cột mốc bi thảm mà trách nhiệm thuộc về các quốc gia mà người di cư ra đi, quá cảnh và cả quốc gia đích đến bởi tất cả các bên liên quan đều hành động rất ít để ngăn chặn. Trong số những người di cư mất tích có thể xác định được quốc tịch, hơn 9.000 người đến từ châu Phi, hơn 6.500 người đến từ châu Á và 3.000 người khác đến từ châu Mỹ.
Châu Phi là khu vực nguy hiểm thứ 2 đối với những người di cư, với hơn 9.000 người chết được ghi nhận kể từ năm 2014. Ở châu Mỹ, gần 7.000 người thiệt mạng được ghi nhận. Chỉ riêng khu vực biên giới đất liền Mỹ-Mexico chứng kiến hơn 4.000 người chết kể từ năm 2014 và số người tìm cách vượt biên vào Mỹ tăng, nhất là sau khi Tổng thống Joe Biden cam kết về một chính sách biên giới "nhân đạo hơn". Tổ chức Di cư quốc tế cũng đã ghi nhận 6.200 người thiệt mạng trên khắp châu Á.
Cơ quan này kêu gọi sự đoàn kết quốc tế để ưu tiên các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn; cải thiện và mở rộng các con đường di cư thường xuyên và an toàn và đảm bảo rằng luật pháp ưu tiên bảo vệ và an toàn cho những người mắc kẹt trên hành trình di cư. Quan điểm của Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân đạo là người di cư ra đi dù bất kể lý do gì, thì không ai đáng phải chết trong hành trình đó./.