Khủng hoảng Syria “nóng” tại Phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc
VOV.VN - Phiên họp cấp cao thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ) đêm 20/9 đã chính thức khai mạc tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ.
Lãnh đạo các nước trên thế giới đã đưa ra quan điểm về các vấn đề nóng trên thế giới được dư luận hết sức quan tâm như, tình trạng biến đổi khí hậu, khủng hoảng người di cư, việc Anh rời Liên minh châu Âu, đặc biệt là khủng hoảng Syria, sau vụ tấn công đoàn xe cứu trợ của Liên Hợp Quốc ở thành phố Aleppo.
Một cuộc họp của Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ. (Ảnh: Reuters). |
Trong bài phát biểu cuối cùng trên cương vị Tổng thống Mỹ trước toàn thể Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Obama đã đề cập nhiều vấn đề lớn của thế giới như cuộc khủng hoảng người di cư, vấn đề Biển Đông, tiến trình hòa bình Trung Đông. Vấn đề Syria được nhà lãnh đạo Mỹ đặc biệt quan tâm.
Theo ông Obama, tình hình Syria hiện nay là không chấp nhận được. Thế giới chưa thống nhất quan điểm trong việc chấm dứt khủng hoảng Syria. Ông Obama khẳng định ngoại giao là con đường duy nhất để chấm dứt xung đột đã kéo dài 5 năm qua tại quốc gia này.
Ông Obama nói: “Chúng ta không được để khủng hoảng tiếp diễn tại Syria. Mặc dù, vấn đề Syria không phải là chủ đề của phiên họp song những gì đang xảy ra ở Syria là không thể chấp nhận được. Chúng ta vẫn chưa thống nhất quan điểm về Syria và chúng ta nên cùng nhau hành động nhằm chấm dứt nội chiến tại đây”.
Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng dành nhiều thời gian trong bài phát biểu của mình để nói về cuộc khủng hoảng Syria. Gọi cuộc khủng hoảng Syria là vết nhơ trong lương tâm của thế giới, Tổng thống Pháp kêu gọi chấm dứt bạo lực kéo dài tại quốc gia Trung Đông này.
Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết: "Tình hình Syria là một nỗi ô nhục, là vết nhơ trong lương tâm của cộng đồng thế giới. Hôm nay là cuộc tấn công ở thành phố Aleppo song ngày mai sẽ còn những vụ tấn công ở đâu đó nữa".
"Người dân Syria đang bị kẹt lại ở bên trong, bị vây hãm. Đoàn xe cứu trợ bị tấn công. Vũ khí hóa học được sử dụng trong cuộc chiến tại Syria. Trẻ em thì bị biến thành nạn nhân của chiến tranh hàng ngày hàng giờ. Cần có một hành động quốc tế tại Syria", Tổng thống Pháp nói.
Ông Hollande cũng cho biết, trong thời gian tới, Pháp sẽ đóng vai trò trung tâm hơn trong việc thúc đẩy hòa bình ở Syria.
Ước tính, cuộc khủng hoảng Syria kéo dài hơn 5 năm qua, đến nay đã cướp đi mạng sống của của hơn 300.000 người và gây ra một cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng nhất tại châu Âu hiện nay. Theo kế hoạch, trong ngày hôm nay (21/9), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ tiến hành nhóm họp để thảo luận cuộc khủng hoảng Syria.
Ngoài vấn đề Syria, nhiều vấn đề nóng khác của thế giới cũng đã được các nhà lãnh đạo trên thế giới đề cập trong bài phát biểu của mình tại phiên họp cấp cao thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Thủ tướng Anh Theresa May trong tuyên bố tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã nhấn mạnh rằng, nước Anh sẽ không quay lưng lại với thế giới sau cuộc bỏ phiếu về việc Anh rời Liên minh châu Âu. Anh sẽ cùng thế giới giải quyết các vấn đề nóng của thế giới.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã kêu gọi thế giới tiến hành các biện pháp chống lại giáo sĩ hồi giáo Gulen đang sống lưu vong ở Mỹ, người bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng đằng sau âm mưu khủng bố tại nước này hồi tháng 7 vừa qua.
Trong cuộc phỏng vấn với báo chí trước đó, ông Erdogan cũng đã kêu gọi Mỹ không nên chứa chấp những kẻ khủng bố như giáo sĩ Gulen và hoạt động của nhân vật này cần bị cấm trên toàn thế giới./.