Khủng hoảng tại Syria ngày càng trầm trọng
(VOV) - Cuộc nội chiến ở Syria có nguy cơ gây xung đột trên diện rộng khi Israel nổ súng cảnh báo sang đất Syria.
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria vẫn lâm vào bế tắc. Nỗ lực của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov với những chuyến công du hồi đầu tháng 11 tới các quốc gia Trung Đông nhằm tìm giải pháp chấm dứt khủng hoảng tại Syria không đạt được bước đột phá nào. Thêm vào đó, những diễn biến căng thẳng tại Syria trong những ngày gần đây lại một lần nữa dập tắt hy vọng sớm tìm ra một lối thoát cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này.
Quân đội Israel và lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc kiểm tra khu vực dính đạn súng cối bắn từ Syria tại Cao nguyên Golan (Ảnh: AFP) |
Ngày 11/11, Israel đã bắn một tên lửa sang Syria kèm theo tuyên bố đây là “bắn cảnh cáo”, sau khi binh lính Syria và lực lượng nổi dậy giao tranh bắn lạc vào Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát.
Đài phát thanh Israel cho biết, đây là lần đầu tiên quân đội Syria “đụng chạm trực tiếp” đến Golan kể từ cuộc chiến tranh giữa hai nước năm 1973. Động thái mới của Israel khiến quốc tế lo ngại rằng cuộc nội chiến ở Syria có thể gây ra xung đột khu vực trên diện rộng.
Cùng ngày, tại thủ đô Doha của Qatar, các tổ chức đối lập Syria đã nhóm họp và nhất trí trên nguyên tắc về một kế hoạch thống nhất chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Các nhóm đối lập tại Syria đã ký kết một thỏa thuận thống nhất, nhất trí thành́ lập một liên minh dân tộc với tên gọi "Liên minh các lực lượng dân tộc đối lập và Cách mạng Syria" và ông Moaz al-Khatib, một nhân vật ôn hòa, được bầu làm người đứng đầu liên minh này.
Trong khi đó, bất chấp lời kêu gọi đối thoại dân tộc để giải quyết cuộc khủng hoảng của Bộ trưởng Thông tin Syria Omran Al-Zohbi mới đây, các cuộc xung đột, giao tranh tại nước này vẫn diễn ra dữ dội. Theo thống kê, chỉ riêng trong ngày 9/11, khoảng 11.000 người Syria phải bỏ nhà cửa đi tị nạn vì xung đột leo thang. Đây là con số cao nhất, so với mức trung bình 2.000-3.000 người Syria chạy sang các nước láng giềng xin tị nạn mỗi ngày.
Điều phối viên của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) Panos Moumtzis cho biết tổng số người tị nạn Syria ở các nước láng giềng đã lên tới hơn 408.000 người. Đây là con số cao nhất từ trước tới nay mà UNHCR nhận được.
Trước tình hình này, Liên Hợp Quốc cũng đã cảnh báo số người Syria cần viện trợ nhân đạo có thể tăng nhanh, từ 2,5 triệu người hiện nay lên 4 triệu người vào đầu năm tới nếu tình trạng bạo lực đẫm máu ở đất nước này vẫn tiếp diễn.
Rõ ràng, tình hình đó đã không mang lại cho các nhà quan sát một hy vọng khả quan nào có thể khai thông những bế tắc cho cuộc khủng hoảng của Syria hiện nay.
Trước tình thế này, Chính phủ Syria ngày 11/11 kêu gọi tất cả các phe phái ở nước này tiến hành đối thoại dân tộc nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài 19 tháng qua. Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, Bộ trưởng Thông tin Syria Omran Al-Zohbi nhấn mạnh, con đường duy nhất dẫn đến hòa bình ở Syria là các bên phải ngồi vào bàn đàm phán và khởi động tiến trình đối thoại dân tộc. Tuy nhiên cho đến nay, các phe phái đối lập chính ở Syria vẫn kiên quyết từ chối đàm phán với Damascus chừng nào Tổng thống al-Assad còn tại vị.
Trong khi đó, mới đây, trả lời phỏng vấn trên một kênh truyền hình Nga, ông al-Assad tuyên bố sẽ chỉ rời bỏ quyền lực thông qua bầu cử (dự kiến vào năm 2014).
Cộng đồng quốc tế hiện đang rất kỳ vọng vào những đột phá mới trong cuộc họp của Ủy ban cấp Ngoại trưởng Arab dự kiến diễn ra hôm nay (12/11) nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria. Cuộc họp sẽ tập trung thảo luận về những diễn biến mới nhất liên quan đến tình hình Syria và kết quả chuyến thăm Nga và Trung Quốc của Đặc phái viên Liên Hợp Quốc - Liên đoàn Arab Lakhdar Brahimi trong nỗ lực thúc đẩy tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia đầy bất ổn này./.